Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ: Doanh nhân 4 năm kêu oan trong thất vọng

Cập nhật 28/8/2017, 15:08:53

Kể từ khi được tại ngoại, ông Vũ Văn Đảo đội đơn kêu oan khắp nơi. 4 năm trôi qua, nhưng những lá đơn của ông cứ như rơi tõm vào hư vô.

Trong vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ xảy ra vào ngày 1/8/2013, ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc, người sản xuất ra chiếc ca nô BP 12-04-01 trong vụ tai nạn bị cáo buộc tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn theo điều 214, Bộ Luật hình sự (BLHS).

Cơ sở để cơ quan điều tra Công an TP.HCM quy kết hành vi của doanh nhân Vũ Văn Đảo là: “đưa công nghệ và vật liệu mới Polypropylen Copolymer (PPC) vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam”.

vu an chim ca no o can gio doanh nhan 4 nam keu oan trong that vong hinh 1
Công ty Công nghệ Việt Séc gặp khó khăn khi giám đốc vẫn chưa thoát khỏi thân phận của bị can.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa giải quyết đăng kiểm thì bị can chuyển hướng bán cho lực lượng vũ trang và ký hợp đồng với Đăng kiểm Hải quân để đưa tàu thuyền sản xuất bằng PPC vào lưu thông….

Bị cáo buộc biết rõ tình trạng ca nô chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận đăng kiểm nhưng ông Đảo vẫn đưa vào sử dụng nên đã cấu thành tội Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Căn cứ buộc tội chưa đủ cơ sở cấu thành tội danh theo điều 214, BLHS, nên TAND TP.HCM 2 lần trả hồ sơ.

Ngày 28/8/2015, cơ quan điều tra của Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, kéo dài quá trình tố tụng bằng một quy trình ngược là thực hiện giám định tư pháp. Đáng lẽ ra, thực hiện giám định tư pháp đối với ca nô bị nạn BP 12-04-01 phải thực hiện ngay khi khởi tố vụ án.

Trong vụ án này, các cơ quan tổ chức từ Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Thành ủy và UBND TP.HCM, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Đảng ủy Khối doanh nghiệp, VCCI, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,… đã có ý kiến, kiến nghị chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ án nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Với thân phận bị can, doanh nhân Vũ Văn Đảo tiếp tục bị gia hạn cấm xuất cảnh. Là tổng giám đốc doanh nghiệp công nghệ, thường xuyên phải ra nước ngoài làm việc với đối tác quyết định tạm đình chỉ vụ án, cấm xuất cảnh với bị can đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.

Tròn 2 năm sau khi quyết định tạm đình chỉ, khi hồ sơ vụ án vẫn nằm trong ngăn tủ của cơ quan tố tụng, ông Đảo vẫn không ngừng gửi đơn kêu oan lên các cấp chức năng của TP.HCM, cơ quan tố tụng Trung ương, lên Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Nhưng tất cả cũng chỉ là những lá phiếu chuyển đơn. Có chăng, cũng chỉ là văn bản trả lời của cơ quan tiến hành tố tụng của TP.HCM cho rằng, việc truy tố bị can đối với ông Vũ Văn Đảo là có căn cứ.

vu an chim ca no o can gio doanh nhan 4 nam keu oan trong that vong hinh 2
Khi vật liệu mới PPC được cơ quan điều tra dùng làm cơ sở cáo buộc tội danh đối với ông Vũ Văn Đảo thì chính các đơn vị quốc phòng đang sử dụng chính những con tàu bằng vật liệu này để làm phương tiện tuần tra.

Luôn bảo vệ quan điểm truy tố là có căn cứ nhưng tuyệt nhiên sau 2 năm tạm đình chỉ vụ án, gần như đã hoàn tất các giám định tư pháp của các cơ quan chuyên môn, nhưng cơ quan điều tra và VKS TP.HCM không có bất kỳ động thái khôi phục vụ án.

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì “Cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng”.

Căn cứ của luật là vậy, nhưng ông Đảo cho rằng: “Việc giám sát của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chưa thuyết phục được các cơ quan tố tụng, phần lớn vẫn là chuyển đơn và cơ quan làm sai thì vẫn cứ trả lời đơn theo cách bao biện không có sai và mọi việc lại đâu vào đó làm cho người dân, dư luận xã hội bức xúc”.

Ông Đảo đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền con người.

Đằng đẵng hơn 4 năm đội đơn kêu oan, cái nhận được của ông Vũ Văn Đảo và hàng trăm công nhân trong các doanh nghiệp của doanh nhân này đến nay cũng chỉ là sự vô vọng. Không biết, đến bao giờ, ông Vũ Văn Đảo mới thoát khỏi thân phận bị can?./.

VOV.


Lượt xem: 39

Trả lời