Lung linh đền Prết Vi Hia.

Cập nhật 24/1/2014, 14:01:54

  Ngôi đền Prết Vi Hia,Campuchia – Di sản văn hóa của nhân loại.    Sau gần 1 tiếng đồng hồ chông chênh trên chiếc xe For Everet do chính những người lính thuộc Bộ tư lệnh quân khu 4, quân đội Hoàng Gia Campuchia điều khiển, chúng tôi cũng đã đặt chân đến ngôi đền … Continue reading “Lung linh đền Prết Vi Hia.”

 

Ngôi đền Prết Vi Hia,Campuchia – Di sản văn hóa của nhân loại. 

 

Sau gần 1 tiếng đồng hồ chông chênh trên chiếc xe For Everet do chính những người lính thuộc Bộ tư lệnh quân khu 4, quân đội Hoàng Gia Campuchia điều khiển, chúng tôi cũng đã đặt chân đến ngôi đền Prết Vi Hia – Di sản văn hóa của nhân loại.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai đến thăm ngôi đền.

Ngay tại điện thờ dưới chân đền, một không khí thanh bình, trong trẻo của thiên nhiên, của tâm linh bắt đầu tràn ngập. Không còn những bon chen, vật vã của cơm áo, gạo tiền, không còn sự ồn ào, náo nhiệt của thế giới kim khí, điện máy. Tất cả đã bị bỏ lại ngay dưới chân đèo để nhường bước cho một chân trời hoàn toàn mới, chân trời của thực và hư, của sự hòa quyện giữa tâm linh và sức vươn con người. Dạo quanh từng góc nhỏ ở điện thờ thần, ta như được nghe rõ hơn sự đồng vọng của tiền nhân Campuchia từ hàng trăm năm về trước. Đó là những năm tháng triền miên của thiên tai, bão lũ, của chiến tranh chống giặc ngoại xâm và cả nội chiến, đó là sức sống bền bĩ, dám vượt qua gian khó của mỗi người con trên đất nước Chùa Tháp. Nhưng cao hơn cả vẫn là sức sống trường tồn văn hóa tâm linh của người dân nơi đây. Nó chính là cội rễ ấp ủ, nuôi sống tâm hồn, trí tuệ hàng triệu, hàng triệu người dân Campuchia từ đời này sang đời khác.

Đền Prết Vi Hia được xây dựng từ khoảng thế kỷ 11, là nơi thờ thần Shiva của người dân Campuchia. Đây được công nhận là di sản văn hóa thế giới và là điểm đến tâm linh của hàng vạn người dân đất nước Chùa Tháp. Mặc biến thiên của lịch sử, những tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và cả con người, đền Prết Vi Hia hôm nay vẫn đứng vững chãi cùng năm tháng.

 

Choáng ngợp, lạ lẫm trước sự kỳ vĩ, hoang sơ nhưng lại rất đỗi tinh tế, sắc sảo, đây là cảm giác rất thực của hầu hết du khách khi có dịp chiêm ngưỡng ngôi đền vốn tốn rất nhiều giấy mực của hàng trăm nhà nghiên cứu lịch sử. Một màu xanh của lá, của cây và đặc biệt là của hàng ngàn, hàng ngàn phiến đá phủ rêu thời gian tạo thành một cảnh quan đẹp tuyệt vời sẵn sàng đón bước du khách và tín đồ gần xa. Nét độc đáo nhất của đền Prết Vi Hia đó là toàn bộ kiến trúc của ngôi đền và các công trình phụ trợ đều xây bằng đá xanh. Hàng ngàn tấm đá, từ viên bé xíu vài chục kg đến tảng lớn hàng chục tấn vốn vô tri giờ biến thành một công trình dạt dào sức sống. Bằng ngôn ngữ chuyên biệt của mình, những tảng đá giờ đã trở thành minh chứng sống động cho trí tuệ và sức lực chinh phục thiên nhiên của người xưa.

 

Tương truyền rằng, ngôi đền Prết Vi Hia được xem là nơi thờ thần Shiva và những vị thần chăn dắt tâm linh của người Khơ me trên đất nước Chăm Pa. Đền được xây dựng trước cả đền Angko Vat, trong thời kỳ cực thịnh của đế chế Khmer ở Cam-pu-chia vào khoảng giữa thế kỷ IX đến thế kỷ XV và tiếp tục được các triều đại vua tu sửa, bổ sung. Ở độ cao trên 500m so với mặt nước biển, do vậy, từ dưới mặt đất lên đến đền phải qua nhiều đoạn dốc và cả phải đi bằng thang gỗ. Mang phong cách kiến trúc Banteay Srei, đền có nhiều tác phẩm tinh xảo điêu khắc bằng đá sa thạch thờ những vị thần tối cao của tôn giáo Hindu. Đền được xây dựng theo trục Bắc – Nam chứ không theo hình thái kiến trúc khu vuông quen thuộc của Campucha với hướng nhìn về phía Đông. Con đường lát bằng đá dài thăm thẳm theo các bậc tam cấp dẫn lên một loạt điện thờ vị thần có gương mặt người bí hiểm và những hàng lang quanh co, gấp khúc tạc đầy các bức tượng thần linh, vũ nữ và các loại thú như dẫn con người đi về phía tâm linh, về những truyền thuyết thấm đẫm nét hoang dại nhưng rất đỗi linh thiêng. Trước mỗi tam cấp, trên lối đi thường xuất hiện nhiều hố nước có đường kính chừng 20 cm để các tu sĩ rửa chân, tẩy trần trước khi bước lên điện thờ thiêng liêng, cao khiết. Và ngôi đền cũng là minh chứng cho tình đoàn kết, keo sơn đời đời bất diệt của hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. Tại đây, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn 307 của Việt Nam đã sát cánh giúp nước bạn Campuchia ngoan cường chiến đấu đánh đuổi tàn quân Pôn Pốt ra khỏi bờ cõi, giúp người dân thoát khỏi nạn diệt chủng của Khme đỏ.

Thời gian, chiến tranh và cả sự thờ ơ của con người đã không giữ được sự nguyên vẹn của di sản văn hóa nhân loại nhưng đến thời điểm này, đền Prết-Vi-hia vẫn luôn là di tích lịch sử, một công trình văn hoá có giá trị lớn, nơi thiêng liêng của đất nước và dân tộc Campuchia. Mặc kệ những biến thiên của lịch sử, giữa bình nguyên xanh bao la, đền Prết Vi-hia sừng sững, hoang sơ nhưng cũng nhuốm đẫm yếu tố kỳ lạ của nền văn hóa tâm linh Khơ Me vẫn thực sự thu hút lòng người./.

 

Thu Thủy – Thanh Sáng


Lượt xem: 372

Trả lời