Khúc mắc trong vụ bé 33 ngày tuổi ở Thạch Thất tử vong

Cập nhật 16/6/2017, 14:06:46

Theo các luật sư, cần thiết phải có giám định pháp y tâm thần đối với bị can Phan Thị Trinh mới có căn cứ để xử lý.

Theo cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do Phan Thị Trinh (mẹ cháu bé) mắc bệnh trầm cảm nặng, nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực.

Nhận định về hành vi của Phan Thị Trinh, luật sư Chu Vân (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 94 Bộ luật Hình sự có quy định về Tội giết con mới đẻ.

Tuy nhiên, theo quy định này, trong những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt thì người mẹ mới bị coi là giết con mới đẻ. Còn trường hợp của Phan Thị Trinh, nếu không thể chứng minh bà mẹ trẻ bị tâm thần thì vẫn áp dụng điểm c khoản 1 Điều 93 về tội Giết người, có quy định mức hình phạt từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình.

khuc mac sau vu be 33 ngay tuoi o thach that tu vong hinh 1
Cơ quan điều tra đưa Phan Thị Trinh về nhà để thực nghiệm hiện trường

Theo luật sư Chu Vân, trong trường hợp Cơ quan điều tra xác định Phan Thị Trinh gây ra cái chết với con đẻ của mình là do bị ảnh hưởng của bệnh trầm cảm sau sinh, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ xem người mẹ này có bị mắc vào một trong những chứng bệnh tâm thần hay không.

Bởi bệnh tâm thần có nhiều thể dẫn đến nhiều trạng thái biểu hiện khác nhau. Vấn đề này cần phải được giám định và kết luận bởi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thì mới có đủ căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả giám định xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ. Khi đó, người mẹ sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Về chi tiết lời khai của Trinh với cơ quan điều tra, sau khi dìm chết cháu bé trong chậu nước, trong lúc đi lên phòng ngủ ở tầng 2, Trinh nhặt cục than hoa viết lên các bậc cầu thang dòng chữ “Tao sẽ giết cháu mày Lăng”. Dư luận đặt giả thiết liệu có phải đây là hành vi che giấu hành vi phạm tội, đánh lạc hướng cơ quan pháp luật bằng cách tạo hiện trường giả của Trinh, phải chăng người mẹ này vẫn nhận thức được việc làm của mình?

Bình luận về giả thiết này, luật sư Chu Vân cho rằng, nếu đúng Trinh bị tâm thần thì lời khai của Trinh không đủ căn cứ để kết tội. Bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội.

Còn theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), trường hợp này phải có kết luận pháp y tâm thần. Hành vi của Phan Thị Trinh không cấu thành tội phạm độc lập vì không có khách thể nào bị xâm hại, chỉ là dòng chữ được viết bâng quơ. Mặt khác, ở thời điểm xảy ra vụ việc, chưa ai biết việc Trinh phạm tội nên không cần phải che giấu hành vi phạm tội. Nếu hành vi này thực sự là ý chí chủ quan của Phan Thị Trinh thì phải do chính bị can khai nhận.

Luật sư Chu Vân khuyến cáo, để hạn chế những vụ việc thương tâm xảy ra, các bà mẹ mang thai cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tránh bị mắc vào các chứng trầm cảm, stress sau sinh.

Khi chăm sóc một đứa trẻ, người mẹ gặp không ít khó khăn, những khó khăn đó tích tụ lâu ngày, dồn nén lại khiến người mẹ bị mất ngủ, cáu bẳn, ảnh hưởng thần kinh, dễ dẫn đến mất kiểm soát trong hành vi.

Người thân và gia đình cần phải nắm được tâm lý này của người phụ nữ để hỗ trợ cho bà mẹ, giúp đỡ chăm sóc trẻ, đặc biệt quan tâm đến những biểu hiện của người mẹ để có thể phát hiện kịp thời những bất thường, từ đó có biện pháp bảo vệ trẻ và ngăn ngừa những sự việc đáng tiếc xảy ra./.

VOV.


Lượt xem: 23

Trả lời