VERP: Chi tiêu chưa tiết kiệm thì không thể đưa ra sắc thuế mới

Cập nhật 13/12/2018, 08:12:37

Viện trưởng VERP Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, nếu chi tiêu chưa tiết kiệm thì không thể đưa ra luật thuế hay sắc thuế mới.

Đề cương Xây dựng dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính với đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng và ô tô trên 1,5 tỷ đồng, thuế suất 0,3 – 0,4%/năm từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân trong năm 2018.

“Thuế tài sản” là một cách gọi khá mập mờ

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, Bộ Tài chính tham vọng đánh thuế tài sản là không nên vì rất ít quốc gia đánh thuế vào các tài sản này.

vien truong verp: neu chi tieu chua tiet kiem thi khong the dua ra sac thue moi hinh 1
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ô tô là phi lý vì những tài sản này mất giá theo giờ gian

“Nếu đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ô tô là phi lý vì những tài sản này mất giá theo giờ gian”, TS. Vũ Sỹ Cường nói. Do đó, ông Cường cho rằng, chỉ đánh thuế bất động sản để đúng triết lý đánh thuế.

Theo TS. Vũ Sỹ Cường, thiết kế hệ thống thuế phải theo nhiều nguyên tắc như tính dễ thực thi, tính hiệu quả… nên đánh thuế Tài sản cực kỳ phức tạp và rất khác nhau ở các nước.

Thống kê từ Bộ Tài chính, có 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Việt Nam, tên gọi “Thuế tài sản” là một cách gọi khá mập mờ. Ông Cường cho biết, các quốc gia không dùng tên này mà đặt tên cụ thể hơn. Ví dụ như: Nhật Bản (thuế tài sản cố định), Philippines (thuế tài sản thực). Các loại thuế chính liên quan đến tài sản là thuế đất đai, thuế bất động sản, thuế tài sản, thuế của cải ròng, thuế chuyển nhượng – trao tặng – thừa kế, thuế VAT, thuế thặng dư vốn.

Về tính khả thi việc đánh thuế này tại Việt Nam ông Cường cho rằng, khó bởi các nước giàu thu được bởi tính đồng thuận của xã hội cao nhờ sự minh bạch và tính giải trình trong cả thu và chi tại các nước này rất cao. Không những vậy, tại Việt Nam chưa có luật thuế có tên là Thuế tài sản nhưng đã có nhiều luật thuế liên quan như thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng, thuế đất phi nông nghiệp, thuế đăng ký trước bạ…

“TP.HCM có thể đánh thuế cao, nếu ai có tiền thì ở còn không thì về Bình Dương hay Đồng Nai chẳng hạn. Tại sao các nước giàu thu nhiều thế mà nước nghèo thu ít, đó là sự đồng thuận của xã hội đi kèm với minh bạch và giải trình trong cả thu và chi. Hay như ở Italia, có thành phố muốn hạn chế khách du lịch bằng cách đánh thuế nhà hàng, khách sạn cao lên. Đó là sự đồng thuận của người dân”, TS. Vũ Sỹ Cường nói.

Theo ông Cường, đóng góp vào ngân sách của thuế bất động sản không đáng kể theo phương diện quốc gia tại các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, chỉ bằng 1/4 so với các nước thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Phân bổ nguồn thu từ thuế bất động sản theo các cấp cũng không giống nhau giữa các nước. Phần lớn phân bổ cho địa phương, nhưng cũng có những nước thuộc hoàn toàn về Trung ương. Tuy nhiên, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản thường là nguồn thu ngân sách quan trọng ở cấp địa phương.

“Ví dụ thuế bất động sản chiếm 80% thu ngân sách địa phương tại Thái Lan, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan. Xét trên tổng chi ngân sách của địa phương, vai trò của thuế bất động sản cũng rất khác biệt, chiếm 50% nguồn cho chi tiêu địa phương ở Úc, ¼ tại Pháp, Tây Ban Nha. Chỉ 15% ở Anh dù là nguồn thu thuế duy nhất cho ngân sách địa phương”, ông Cường cho hay.

Tại Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm, thua xa các nước. Vai trò với loại thuế này đối với ngân sách địa phương cũng rất khiếm tốn, chỉ từ 5 – 7% ngân sách địa phương, nhiều nơi thậm chí chỉ 2%.

Tuy nhiên, TS. Cường cho rằng, thuế tài sản là loại thuế rất phức tạp và việc áp dụng không dễ dàng vì thu và chi tiêu cần minh bạch. Ngoài chức năng là nguồn thu ngân sách địa phương, thuế bất động sản còn có thể tác động tới hành vi kinh tế của các đối tượng khác nhau, phân bổ lại dân cư, giảm đầu cơ trên thị trường bất động sản.

Cần cân đối thu – chi ngân sách

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tài sản trong quá trình hình thành đã chịu nhiều loại thuế. Nếu tiếp tục đánh Thuế tài sản, mà lại đánh hàng năm là không hiệu quả, thiếu cơ sở pháp lý, dễ gây méo mó nguyên lý đánh thuế.

vien truong verp: neu chi tieu chua tiet kiem thi khong the dua ra sac thue moi hinh 2
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

“Không nên dễ dãi đưa ra một luật thuế như vậy vì phải xác định rõ ràng việc đánh thuế tài sản này là để điều chỉnh hành vi hay tăng thu cho địa phương?”, TS. Nguyễn Đức Thành đặt câu hỏi.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, cần tập trung vào cách xây dựng cơ chế thu và cách sử dụng nguồn thu đó như nào theo thông lệ quốc tế. Và nên tập trung vào thuế địa phương để đẩy mạnh quy hoạch khu dân cư theo tốc độ phát triển.

“Thuế tài sản muốn lâu bền phải tránh trùng với thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ”, ông Thành khuyến cáo.

TS. Nguyễn Đức Thành nhận định, thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy, đây không phải một sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội.

“Khi ban hành một Luật thuế mới, điều quan trọng là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở ngân sách của các cấp. Để có sự đồng thuận của công chúng thay vì những phản ứng dữ dội, phải nâng tính giải trình trong các khoản chi của ngân sách. Bởi tăng thu để phục vụ chi, nhưng chi như thế nào, người dân cần được rõ hiệu quả của các khoản chi đó”, TS. Thành nêu ý kiến.

Ông Thành cũng nhấn mạnh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp trong cả thu và chi để người dân biết, từ đó mới không vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân. Bên cạnh đó, cần phải xem gốc gác vấn đề thêm luật thuế, thêm sắc thuế mới.

“Nếu chi tiêu chưa tiết kiệm thì không thể đưa ra luật thuế hay sắc thuế mới được. Đây là gốc lõi nhất về cân đối thu chi ngân sách của chúng ta”, Viện trưởng VERP nhấn mạnh./.

Theo VOV


Lượt xem: 18

Trả lời