Vàng SJC có mất giá sau kiến nghị bỏ độc quyền vàng miếng của NHNN?

Cập nhật 22/3/2024, 08:03:06

Việc xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá giữa Việt Nam và thế giới, tránh tình trạng vàng SJC “một mình một chợ” như hiện nay.

Kiến nghị bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng

Sau chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiến nghị cho phép một số doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng. Kiến nghị này được NHNN đưa ra tại cuộc họp chiều tối 20/3 với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các cán bộ, ngành về quản lý thị trường vàng.

Cụ thể, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Theo NHNN, việc có mở rộng cấp phép sản xuất vàng miếng hay không thì phải dựa trên phân tích, đánh giá rất kỹ các tác động đối với tỷ giá, ngoại hối, kinh tế vĩ mô, tâm lý người dân. Đồng thời, chính sách mới cũng phải góp phần ổn định thị trường vàng trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại tệ.

Thời điểm hiện tại, giá vàng SJC đã bắt đầu có dấu hiệu bình ổn, giảm từ mức đỉnh trên 82 triệu đồng/lượng (bán ra) xuống còn 80,80 triệu đồng/lượng (niêm yết lúc 15h chiều 21/3/2024). Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC hiện là 2 triệu đồng mỗi lượng.

So với giá vàng thế giới tại cùng thời điểm, giá vàng SJC vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới giao ngay trên sàn Kitco khoảng 16,6 triệu đồng/lượng.

Những ngày gần đây, lượng khách đến giao dịch tại các cửa hàng kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội cũng không có nhiều biến động, giao dịch mua – bán không chênh lệch lớn.

Vàng SJC sẽ không còn “một mình một chợ”

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải, cần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo các quy định của nhà nước, có thể nhập khẩu vàng về để tập trung sản xuất trang sức. “Khi đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ khách hàng. Với việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thì doanh nghiệp cũng sẽ an toàn hơn tránh được các rủi ro pháp lý khi mua nguyên liệu từ các nguồn trôi nổi”, ông Nguyễn Đức Anh nói.

Đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng của NHNN tương đồng với đề xuất trước đó của nhiều chuyên gia kinh tế. Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, việc xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới là điều cần thiết.

“Khi có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ thì các loại vàng được cạnh tranh sòng phẳng, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa. Giá vàng theo đó sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền”, TS. Hiếu phân tích.

Hiện chỉ có NHNN được nhập khẩu vàng, do đó nguồn cung vàng trên thị trường không dồi dào nên khi xuất hiện lực mua hoặc bán sẽ làm cho giá tăng, giảm đột biến.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước đang nhận được cú hích từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và nhu cầu tiêu thụ của người dân. Dù theo xu hướng thế giới nhưng không liên thông và tăng đồng điệu với nhau. Vì vậy, khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và tất nhiên mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn sẽ rất cao, cộng với chênh lệch mua – bán cao là rủi ro cho người mua.

Nguồn cung vàng miếng SJC trở nên khan hiếm, và tính thanh khoản cao hơn so với vàng nhẫn và vàng trang sức, nên giá thường cao hơn thế giới. Tuy nhiên với vàng nhẫn, gần đây có tốc độ tăng rất nhanh, hơn cả vàng miếng và khan hàng là hiện tượng khá mới mẻ cần quan sát.

NHNN nên cho một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới, đồng thời kiểm soát việc mua vàng của họ bằng quota trong một năm, TS. Hiếu nêu quan điểm.

Về lâu dài, theo chuyên gia này, một giải pháp nhằm tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế là thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN. Cơ chế này cho phép NHNN thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt. Phương pháp này giúp huy động nguồn lực vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc Chính phủ xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia cũng là bước tiến quan trọng trong việc tạo dựng thị trường vàng minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp tại Việt Nam. Sàn vàng này sẽ cung cấp một nền tảng để những thông tin liên quan đến giá cả, giao dịch mua bán được công bố rộng rãi.

Đồng quan điểm, GS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết: “Nhu cầu nắm giữ vàng của người dân vẫn được thực hiện, được đảm bảo nhưng không nắm giữ bằng vàng vật chất. Nhà nước vẫn quản lý được số vàng đó, đồng thời số vàng này không phải là vàng vật chất nằm trong két của người dân không được huy động vào, đặc biệt đây là nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế mà chúng ta đang rất cần trong thời gian tới”.

 VOV.

Lượt xem: 3

Trả lời