Trung Quốc gia tăng nhập khẩu sắn và tinh bột sắn của Việt Nam

Cập nhật 12/4/2022, 14:04:50

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nhu cầu nhập khẩu sắn và tinh bột sắn đang tăng cao từ thị trường Trung Quốc – thị trường lớn nhất của sắn Việt Nam.

Ngoài sản xuất ethanol, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao bởi ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine.

Hiện hơn 95% lượng tinh bột sắn của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên hơn 65% sản lượng xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, giao hàng qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.

Do nhu cầu tăng cao nên từ cuối tháng 3, giá sắn lát có xu hướng tăng trở lại tại hầu hết các tỉnh. Giá tinh bột sắn thành phẩm tăng từ 100 – 200 đồng/kg. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970.000 tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng gần 16% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Người dân cải thiện thu nhập nhờ giá sắn tăng

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam hiện chiếm gần 26% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện cả nước có trên 500 nghìn ha. Trong đó, vùng Tây Nguyên dẫn đầu với hơn 170 nghìn ha.

Thời gian gần đây, mặc dù chi phí vật tư phân bón tăng, dịch bệnh khảm lá do virus trên cây sắn còn diễn biến phức tạp, khiến việc duy trì cây trồng chủ lực này gặp không ít khó khăn nhưng giá sắn tăng cao thời điểm này là một tín hiệu đáng mừng cho nhiều bà con trồng sắn.

Giá thu mua sắn trên thị trường ở mức cao, đã giúp cho nhiều hộ đồng bào vùng sâu Tây Nguyên có thu nhập ổn định.

Trung Quốc gia tăng nhập khẩu sắn và tinh bột sắn của Việt Nam - Ảnh 1.

Giá thu mua sắn trên thị trường đang ở mức cao. Ảnh minh họa – Ảnh: TTXVN

Tây Nguyên có diện tích trồng sắn tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum. Trong đó, Gia Lai là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích với hơn 80 nghìn ha. Tuy nhiên, hầu hết cây sắn được canh tác tại địa bàn vùng sâu, ở địa hình dồi dốc cao, giao thông đi lại khó khăn, nên chi phí vật tư và công vận chuyển rất cao.

“Chi phí 1 ha 35 triệu đồng, chưa tính tiền thuê đất. Giá bán cũng trung bình khoảng 55 triệu đồng, người dân thu nhập 1 ha khoảng 20 triệu. Tây Nguyên là vùng diện tích lớn nhất cả nước nhưng chỉ có 20 nhà máy. Đây là vấn đề bất cập kể cả cho doanh nghiệp và người dân”, ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho hay.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con trồng sắn không mở rộng diện tích, mà tập trung đầu tư thâm canh, sử dụng giống sắn sạch bệnh để phát triển bền vững cây trồng chủ lực này.

Nâng cao chất lượng sắn phục vụ xuất khẩu

Năm 2021, xuất khẩu sắn đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD. Tuy là cây trồng tỷ đô nhưng những năm qua việc phát triển vẫn chưa bền vững, liên kết giữa sản xuất và chế biến còn hạn chế.

Mới đây, tại Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức một hội nghị cùng với các tỉnh trọng điểm trồng sắn, đi sâu tập trung phân tích đánh giá tổng quan về thực trạng sản xuất, xuất khẩu, cũng như đề ra những giải pháp chiến lược để phát triển bền vững cây trồng này.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan. Hiện nay, cả nước có 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Tuy nhiên, thời gian qua các vùng nguyên liệu sản xuất chưa được gắn kết chặt chẽ với các nhà máy chế biến, dẫn đến bất cập nơi thừa nguyên liệu, nhưng thiếu nhà máy và ngược lại.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Quan điểm là chỉ phát triển sắn ở vùng có lợi thế, gắn với các nhà máy chế biến, song song là đặt hàng cơ quan nghiên cứu có giống sắn năng suất chất lượng cao. Đồng thời, ban hành quy trình canh tác phát huy tối đa hiệu quả năng suất”.

Trung Quốc gia tăng nhập khẩu sắn và tinh bột sắn của Việt Nam - Ảnh 2.

Tuy là cây trồng tỷ đô nhưng những năm qua việc phát triển cây sắn vẫn chưa bền vững, liên kết giữa sản xuất và chế biến còn hạn chế. Ảnh minhhoaj – Báo : Nhân dân.

Dư địa phát triển cho ngành sắn là rất lớn, cả thị trường xuất khẩu, lẫn thị trường trong nước bởi hiện nay, tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn trong nước chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, nước ta lại phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, gia súc, nguyên liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm.

“Tinh bột sắn chúng ta đảm bảo tiêu chuẩn xuất đi châu Âu, theo tiêu chuẩn của FAO. Để tiếp cận vào thị trường châu Âu có những yêu cầu khắt khe như có xuất xứ trồng ở đâu, chất lượng sản phẩm”, ông Nghiêm Minh Tiến – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cho hay.

Không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà đã có địa phương như Tây Ninh giúp người dân làm giàu từ cây sắn. Vì vậy, hướng đến chất lượng, để nâng cao giá trị, thông qua công nghệ chế biến sâu cũng là định hướng của ngành nông nghiệp trong phát triển bền vững cây trồng chủ lực này.

Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn của các thị trường thành viên RCEP sẽ không chỉ đối diện với việc mất thị trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới cả một ngành sản xuất.

Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Mặt khác, cần tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm sắn của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường.

Theo VTV


Lượt xem: 21

Trả lời