Thu hút đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp tại Việt Nam dần tăng trưởng trở lại

Cập nhật 13/10/2023, 08:10:23

Sau thời kỳ COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 12/10.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đã hình thành và phát triển tương đối nhanh. Sau thời kỳ COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Tuy vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển. Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, ngoài các hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam cần các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, Trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.

Đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, ông Lê Trung Chinh- Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã và đang đóng vai trò là hạt nhân của hoạt động hỗ trợ phát triển, kết nối các thành tố trong hệ sinh thái.

Tại Đà Nẵng, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngày càng phát triển, cơ bản đầy đủ các thành tố với các trụ cột chính là: Cơ quan Nhà nước – viện nghiên cứu, trường đại học – tổ chức hỗ trợ – cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể liên quan cùng tham gia tích cực vào hệ sinh thái. Đáng chú ý, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng.

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023, Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại hội thảo, cac chuyên gia cũng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội và TPHCM hiện là đầu tàu của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam được đánh giá đang trên đà phát triển, nhưng cần nhiều cú hích để phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là việc hình thành các hệ sinh thái địa phương, vùng, chuyên ngành với chủ thể là các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được quan tâm và có sự liên thông, phối hợp để tạo ra sức mạnh tổng thể cho hệ sinh thái.


Lượt xem: 3

Trả lời