Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang có cơ hội hồi phục

Cập nhật 19/5/2023, 13:05:31

Bộ Công Thương đã đề ra những kế hoạch hành động, làm việc thường xuyên các tỉnh thành và DN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và tập trung phát triển thị trường ngoài nước, tăng xuất khẩu…

Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 4 tháng đầu năm và nửa tháng 5, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 18/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nền kinh tế và các DN đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Công nghiệp và thương mại suy giảm

Khó khăn đầu tiên là tăng trưởng công nghiệp và thương mại đều chậm, khi nội tại các thị trường mà Việt Nam luôn có thế mạnh để xuất khẩu như Mỹ, EU, Vương quốc Anh đều gặp khó khăn. Điều này đã dẫn đến quá trình đầu tư ra bên ngoài chậm lại, nhu cầu tiêu thụ của các nước cũng giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương diễn giải, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương nhưng giảm ở 11 địa phương trên cả nước, trong đó có những địa phương vốn là đầu tàu của cả nước như TP.HCM.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, qua 4 tháng đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%). Xuất khẩu sang Mỹ giảm 21%, Hàn Quốc giảm 69,6%, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 91,16 tỷ USD, giảm 14,1%…

Ngành Công Thương hằng ngày phải xem xét để nỗ lực cải thiện tình hình này. Mặc dù trong 4 tháng cả nước vẫn xuất siêu, nhưng phía Bộ đang xem xét con số xuất siêu 7,47 tỷ USD sau 4 tháng để có những đánh giá, phân tích kỹ hơn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Nhận định nguyên nhân suy giảm kim ngạch xuất khẩu những tháng qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, các đối tác xuất khẩu lớn đều giảm chi tiêu mua sắm, nhất là các sản phẩm xa xỉ đã tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, trong khi 90% sản phẩm dành cho xuất khẩu và chỉ 10% tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản giảm ảnh hưởng tới tổng giá trị xuất khẩu. Cùng với đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại ngoài tác động tích cực cho nền kinh tế thì cũng mang lại những khó khăn cho DN Việt vì dung lượng hàng cung ứng lớn. Đó là chưa kể hiện các DN vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn và giảm lãi suất vay.

“Đáng chú ý, nhiều thị trường xuất khẩu đang có xu hướng dựng lên các rào cản thương mại để ngăn sự cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngay thị trường Trung Quốc mở cửa trở đã làm gia tăng cạnh tranh, dẫn đến xuất khẩu nhiều ngành hàng không thuận lợi, trong khi sức mua nội địa chưa cao, DN còn thiếu hụt đơn hàng và nhiều chính sách đưa ra còn có độ trễ…”, ông Hải thông tin.

Gỡ khó sản xuất kinh doanh, hướng mạnh xuất khẩu

Dự báo thời gian tới dù vẫn tiếp tục khó khăn, song sẽ phục hồi tốt hơn quý đầu năm, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc tăng trưởng ở thị trường trong nước được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và là trụ cột của nền kinh tế. Những mặt hàng thiết yếu không biến động thất thường dù chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và dịch bệnh, điều này do tác động cung – cầu và thực hiện tốt công tác điều hành thị trường.

Điểm sáng nữa là nhiều khu vực kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc có tăng trưởng cao hơn dự báo, các chính sách kích cầu, đầu tư công đã dần có tác dụng phục hồi sản xuất kinh doanh, thậm chí sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng dần.

Để đưa hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tăng trưởng thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung phát triển thị trường ngoài nước, tăng xuất khẩu cũng như đổi mới xúc tiến thương mại, hướng tới các thị trường tiềm năng và thị trường ít tác động như ASEAN, quyết liệt tiến vào các thị trường mới nổi. Bộ Công Thương đã đề ra những kế hoạch hành động, làm việc thường xuyên các tỉnh thành, DN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

“Thường kỳ hàng tháng, Bộ Công Thương đều tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan thương vụ và tổ chức xúc tiến thương mại, nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực cho DN. Cùng với đó, Bộ tập trung phát triển thị trường nội địa, coi như trụ đỡ khi xuất khẩu gặp khó khăn và triển khai kịp thời các chương trình kích cầu, phát triển mạnh thương mại điện tử, phát triển hạ tầng thương mại vùng sâu, hải đảo…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đưa ra phương hướng./.


Lượt xem: 3

Trả lời