Quản lý vốn nhà nước tại DN: Tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi

Cập nhật 28/4/2017, 08:04:20

Cần tách chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải đảm bảo quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, hiệu quả và tránh tình trạng nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi” can thiệp quá lớn vào hoạt động của doanh nghiệp. Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội sáng 27/4.

quan ly von nha nuoc tai doanh nghiep tranh tinh trang vua da bong vua thoi coi hinh 1
Hội thảo “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam”

Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước hiện lên tới 1,3 triệu tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp nhà nước vẫn có bộ chủ quản hoặc UBND chủ quản. Các cơ quan này đồng thời thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải tách chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, có hai mô hình được đề xuất lựa chọn: Một là thành lập cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Hai là thành lập một doanh nghiệp nhà nước quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nghiêng về phương án thứ hai là chọn mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp. Theo đó, có thể nâng cấp Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước hiện nay, đảm bảo tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu. Công ty này không phải là cơ quan hành chính, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp mà thông qua hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại để bảo toàn, gia tăng giá trị vốn đầu tư.

GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, mô hình doanh nghiệp đứng ra quản lý vốn nhà nước thì phù hợp với tính chất, đặc điểm của kinh tế thị trường, tránh được can thiệp hành chính vào hoạt động đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp. Cần xóa bỏ mô hình cơ quan chủ quản, ảnh hưởng hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp.

Theo vị chuyên gia này, khối doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm trên 30% GDP. Nếu tiến hành cải cách giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp, GDP chiếm 10% thì mô hình quản lý sẽ đơn giản hơn.

Tuy nhiên, vẫn nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc thành lập một doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Bởi so với mô hình là một cơ quan của nhà nước thì mô hình doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước có vị thế pháp lý và chính trị yếu hơn, có thể dẫn đến việc không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về doanh nghiệp này quản lý.

Ngoài ra, xuất phát từ thực tế Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được giao nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nhưng hiện mới quản lý được khoảng 9.900 tỷ đồng, chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng, việc thay đổi mô hình quản lý vốn nhà nước phải đi vào thực chất hơn và phải quản lý tập trung nhiều hơn lượng vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho rằng, muốn thành lập doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước cần phải xử lý được 2 vấn đề là: nâng cao vị thế pháp lý và xử lý được mối quan hệ với các doanh nghiệp lớn.

Các chuyên gia nhận định, lựa chọn mô hình nào cũng phải đảm bảo tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào doanh nghiệp. Cơ quan hay doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, đảm bảo hiệu quả vốn nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí./.

Theo VOV


Lượt xem: 35

Trả lời