Nhiều nước ồ ạt mua vàng dự trữ

Cập nhật 09/4/2024, 06:04:54

Một số chuyên gia cho rằng nhu cầu mua vàng của ngân hàng trung ương là yếu tố chính đằng sau đợt tăng giá mới nhất của vàng lên trên 2.300 USD/ounce.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thống trị thị trường vàng

Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng 19 tấn trong tháng 2. Lượng mua vào đã giảm 58% so với tháng 1 do một số ngân hàng trung ương cũng tăng lượng bán vàng.

Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường Krishan Gopaul tại WGC, cho rằng nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương vẫn ổn định trong những tháng đầu năm 2024. Ông Gopaul cho biết các ngân hàng trung ương bổ sung 64 tấn vàng trong tháng 1 và tháng 2, giảm hơn 43% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tăng gấp 4 lần so với năm 2022.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục thống trị thị trường vàng khi mua 12 tấn trong tháng 2. Tính cả tháng 2, dự trữ vàng của PBoC đã tăng 16 tháng liên tiếp, dù tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ vào khoảng 4%.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng vì nước này muốn đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối khỏi đồng USD.

Nhiều nước ồ ạt mua vàng dự trữ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Trong khi nhu cầu của Ngân hàng trung ương Trung Quốc thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường, WGC đã nhấn mạnh các xu hướng quan trọng khác. Trung Quốc không phải là khách mua vàng duy nhất.

Ngân hàng Quốc gia Czech đã tăng dự trữ vàng thêm 2 tấn trong tháng 2, kéo dài đợt mua lên 12 tháng liên tiếp. Ông Gopaul cho biết trong đợt mua trên, Czech đã mua tổng cộng gần 22 tấn, nâng lượng vàng nắm giữ lên 34 tấn, tăng hơn 183% so với cuối tháng 2/2023.

Cơ quan Tiền tệ Singapore đã mua 2 tấn vàng trong tháng 2, mức tăng dự trữ đầu tiên kể từ tháng 9. Những khách mua đáng chú ý khác bao gồm Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan đã tăng dự trữ vàng thêm 6 tấn. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã mua 6 tấn vàng trong tháng 2.

Vì sao các ngân hàng trung ương ồ ạt mua vàng?

Lý giải việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng, WGC cho rằng các nước đã thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản.

Ngoài ra, năm 2024, thế giới dường như vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế chính trị. Trong bối cảnh đó, gia tăng sở hữu vàng vẫn là chiến lược phù hợp.

WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Đây là ba mục tiêu đầu tư cơ bản của các ngân hàng trung ương. Vì vậy, các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% số vàng được khai thác trên toàn cầu đến nay.

Một số chuyên gia cho rằng nhu cầu mua vàng của ngân hàng trung ương là yếu tố chính đằng sau đợt tăng giá mới nhất của vàng lên trên 2.300 USD/ounce.

“Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng mua vàng. Việc dự trữ tiền tệ các nước khác ngày càng ít ý nghĩa, trong bối cảnh thế giới phân cực và đầy bất ổn”, Ryan McIntyre – Giám đốc công ty quản lý tài sản Sprott, cho biết trong một bài phỏng vấn gần đây với Kitco News.

Hội đồng Vàng Thế giới cũng cho biết, số liệu dự trữ mới nhất chỉ cho thấy chỉ có hai khách hàng bán vàng lớn, trong đó, Ngân hàng trung ương Uzbekistan đã bán 12 tấn vàng trong tháng 2, trong khi Ngân hàng trung ương Jordan giảm lượng dự trữ 4 tấn.

Theo VTV

Lượt xem: 2

Trả lời