Nhận định 4 cơ hội và 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2023

Cập nhật 23/6/2023, 08:06:23

Cần tăng cường tính liên kết và chú trọng giải pháp phát triển doanh nghiệp với nâng cao năng lực thực chất, bền vững, đây là thông điệp đáng chú ý được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2023 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 có chủ đề: Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ. Báo cáo chỉ ra rằng, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao, khi các chỉ số đảm bảo tăng trưởng bền vững với sức cạnh tranh doanh nghiệp đều suy giảm trong điều kiện các yếu tố kinh tế quốc tế không thuận lợi, kèm theo những vấn đề nội tại kinh tế chưa được xử lý triệt để.

Báo cáo cũng chỉ ra có 4 cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Thứ nhất, những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước nhìn từ các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây. Thứ hai, cơ hội tăng xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Thứ ba, cơ hội từ làn sóng chuỗi đầu tư. Thứ tư, FTA tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.

Cụ thể, các chính sách điều hành kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước, lãi suất giảm liên tục trong những tháng đầu năm và gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như căng thẳng chính trị, xung đột Nga-Ukraine vẫn gây ra những bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến đà hồi phục tăng trưởng toàn cầu và các đối tác đầu tư, thương mại lớn của Việt Nam như EU, Mỹ; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI do liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn yếu, điều này tạo ra thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh và tăng cường xuất khẩu sản phẩm nội địa trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế Việt Nam, bên cạnh những chính sách hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế, theo các chuyên gia, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đồng thời cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh Tế – ĐHQGHN nhận định: “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam vẫn trung thành với quan điểm cho rằng là chính sách hỗ trợ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là một trong những nền tảng rất tốt để giúp khôi phục lòng tin của thị trường, nhà đầu tư và tiêu dùng trong nước. Với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô thì chúng ta mới có nền tảng khiến cho lòng tin của thị trường quay lại.

Yếu tố thứ hai là sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương để giải quyết các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, trước hết là những vướng mắc và khó khăn về quy trình, thủ tục các điều kiện kinh doanh.

Yếu tố thứ ba đó là sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ví dụ liên quan đến việc tìm kiếm các thị trường, đơn hàng mới cũng như phục hồi tiêu dùng trong nước của chúng ta. Đấy cũng là một cứu cánh trong ngắn hạn để giúp cho doanh nghiệp chống chịu và có thể thích ứng, quay trở lại phục hồi sản xuất kinh doanh một cách tốt nhất”.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường liên kết doanh nghiệp trong bối cảnh mới, báo cáo cũng đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách trong điều hành vĩ mô. Đáng chú ý, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận thông tin.

Trên cơ sở những dự báo tính hình kinh tế, báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023. Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt mức 5,5%. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng GDP sẽ là 6%. Còn với kịch bản cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 là 6,5%./.


Lượt xem: 3

Trả lời