Nâng cao tính bền vững của cây cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên

Cập nhật 01/2/2024, 08:02:16

Hôm nay 12/10, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai tổ chức sơ kết Dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” năm 2023.

Dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” năm 2023 (gọi tắt là Dự án V-SCOPE) được triển khai từ tháng 2/2021 – 9/2024 tại 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, với sự tham gia của gần 300 nông hộ trồng cà phê và hồ tiêu.

Dự án hướng tới nâng cao sinh kế cho các nông hộ nhỏ và cộng đồng nông thôn; hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp sản xuất bền vững; thúc đẩy chuỗi giá trị thị trường thực phẩm nông nghiệp toàn diện thông qua hợp tác với khu vực tư nhân và nông dân.

Sau thời gian triển khai, dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực như: xác định được mức tưới 400 lít/cây/vụ phù hợp với vườn cà phê độc canh; cây cà phê được trồng dưới bóng cây ăn quả có mức tiêu thụ nước thấp hơn 20% – 30% so với điều kiện độc canh; thiết kế các phương pháp thực hành hiệu quả và hệ thống canh tác tích hợp…. Bên cạnh đó, dự án đã có các thử nghiệm về tưới tiêu có thể giúp vùng Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, 1 trong những đơn vị được hưởng lợi từ dự án, cho biết: “ Dự án này phân tích đất và đưa những khuyến cáo với nông dân để bón phân một cách cân đối. Bên cạnh đó, dự án hướng cho người dân tưới tiết kiệm nước và đảm bảo môi trường. Về cấp huyện với chức năng quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp hỗ trợ cho chuyên gia của dự án, tiếp cận triển khai trên địa bàn của huyện một cách tốt nhất”.

Thời gian tới, Dự án tiếp tục triển khai các hợp phần hướng tới cải thiện sức khỏe đất và kiểm soát sâu bệnh từ đất ở các trang trại cà phê và hồ tiêu cũng như trong vườn ươm; Phương pháp canh tác bền vững và hệ thống trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với bối cảnh khác nhau; Cải thiện chuỗi giá trị địa phương tăng cường đối thoại công tư quốc gia; Cải thiện các sáng kiến cảnh quan nhiều bên và chiến lược mở rộng quy mô tăng cường đối thoại công tư ở địa phương.


Lượt xem:

Trả lời