Hải Dương chủ động xúc tiến tiêu thụ vải thiều

Cập nhật 25/3/2024, 08:03:03

Để nâng cao giá trị sản phẩm vải thiều, tỉnh Hải Dương đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, lên phương án xúc tiến, tiêu thụ vải thiều trong nước và xuất khẩu.

Năm 2024, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có hơn 3.000 ha vải thiểu, trong đó có khoảng 1.700 ha vải sớm (chiếm gần 52% tổng diện tích toàn huyện). Tổng sản lượng vải thiều tại tỉnh Hải Dương năm nay ước đạt từ 50.000 đến 55.000 tấn, được tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật, một số nước châu Âu…

Dự kiến ngày 20/5, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức Lễ mở vườn vải xuất khẩu, Hội thi thu hái vải tại xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà và điểm đặc biệt so với mọi năm là Lễ cắt băng xuất khẩu vải Thanh Hà tại ga đường sắt Cao Xá, xã Cao An (huyện Cẩm Giàng). Đây là ga liên vận quốc tế. Sự kiện nhằm tạo điểm nhấn quảng bá vải thiều Thanh Hà nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung, giúp việc tiêu thụ vải năm 2024 và các năm tiếp theo thuận lợi. Sự kiện cũng nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch trải nghiệm vải thiều với du khách trong và ngoài nước; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng, thương hiệu, qua đó kích cầu tiêu thụ vải thiều Thanh Hà trong nước và xuất khẩu.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết: Hiện nay, vải thiều Hải Dương đã dần tiếp cận được những thị trường khó tính như Nhật, Australia, Hoa Kỳ… Địa phương đang tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ, tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến cho vải thiều Hải Dương.

Cũng theo bà Kiểm: “Thời gian thu hoạch vải thiều ngắn, chỉ khoảng 2 tháng trong khi sản lượng lớn, cũng như công nghệ bảo quản và công nghệ chế biến sau thu hoạch vải hiện nay vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng khó khăn tiêu thụ.

Với những doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ hay các nước thì người ta có thể bảo quản đến 2 tháng nhưng trong nước chỉ bảo quản 1 tháng thôi. Đặc biệt là quả vải sau khi vào kho lạnh thì nó hỏng rất là nhanh cho nên đây cũng là hạn chế với trái vải.

Đối với Nhật, Hoa Kỳ, Australia, thì doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu bằng đường biển, với 1 số nước châu Âu thì đa số là đi bằng đường hàng không nên chi phí tương đối cao. Về mặt lâu dài giải pháp lớn nhất vẫn là công nghệ bảo quản để làm sao có thể kéo dài thời gian bảo quản vải ra để phục vụ cho tiêu thụ”.


Lượt xem: 2

Trả lời