Giá vàng vượt mốc 71 triệu đồng/lượng: Chuyên gia đưa ra lời khuyên nhà đầu tư

Cập nhật 16/10/2023, 07:10:01

Các chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều phân tích và lời khuyên nhà đầu tư xung quanh việc giá vàng trong nước tăng vượt mốc 71 triệu đồng/lượng trong những ngày qua.

Sáng 15/10, giá vàng SJC giao dịch ở mức 69,7 triệu đồng/lượng mua vào và 70,72 triệu đồng/lượng bán ra. Trước đó, sáng 14/10, giá vàng tăng mạnh vượt mốc 71 triệu đồng/lượng. Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên cân nhắc thời điểm mua – bán.

Cùng với đó, giá vàng tăng cao có tác động tích cực đến nền kinh tế, vì lượng tiền trong dân được lưu thông để mua vàng nhiều, nền kinh tế sẽ được “bôi trơn”.

Vì sao giá vàng tăng đột biến?

Trả lời VTC News, tiến sĩ chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, nguyên nhân cơ bản là do thị trường tài chính thế giới.

Vàng là nơi trú ẩn an toàn của tài sản, tài chính. Do vậy, sự bất ổn về địa chính trị đã gây ra những bất ổn về đồng USD, bất ổn về thị trường tài chính quốc tế thì người dân thường mua vàng cất giữ.

“Cuộc chiến giữa Nga – Ukraine diễn ra lâu, nhưng cuộc chiến mới giữa Israel đánh vào Hamas chưa có hồi kết sẽ làm xáo trộn thị trường dầu mỏ, vàng, USD và thị trường tài chính. Đó là lý do đẩy giá vàng lên cao”, TS Nguyễn Bích Lâm nói.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước tăng lên hơn 70 – 71 triệu/ lượng là mức giá cao trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân là do thị trường vàng thế giới và nội tại của nền kinh tế, giá vàng thế giới tăng đột biến hơn 31USD/ounce, giao dịch ở mức 1.932,5 USD/ounce, tương đương gần 57,3 triệu đồng/lượng.

“Vàng tăng một phần là do chiến tranh giữa Israel – Hamas và tình hình kinh tế thế giới còn ảm đạm. Cùng với đó, nội tại của nền kinh tế Việt Nam 3 quý đầu năm tăng trưởng thấp, thị trường tài chính, chứng khoán có những bất định, lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng hạ, thị trường bất động sản ảm đạm”, ông Hiếu phân tích.

Những biến động địa chính trị đã đẩy giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới lên. Riêng giá vàng trong nước chênh lệch khá cao so với vàng thế giới do vàng trong nước không liên thông với vàng thế giới.

Theo ông Hiếu, giá vàng trong nước tăng cao nhưng chúng ta cũng không thể xem đó là hàng thượng biểu của nền kinh tế, bởi giá vàng trong nước cách xa và không đi cùng chiều với giá vàng thế giới, và không phản ảnh sự phát triển của nền kinh tế.

“Thứ nhất, khi kinh tế xuống giá vàng tăng, khi kinh tế phát triển giá vàng cũng vẫn tăng. Do vậy, nó không thể đo lường được sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nến kinh tế.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam rất thành công trong việc chống vàng hoá trong nền kinh tế hàng chục năm qua. Các ngân hàng đã chấm dứt hiện tượng cho vay vàng, huy động vàng nên không còn hiện tượng vàng hoá nền kinh tế”, ông Hiếu nói.

Hiện nay người dân vẫn có tâm lý trữ vàng nhưng không phải đầu cơ, tích trữ như trước đây. Họ có tiền thì họ sẽ mua vàng để “tích cốc phòng thân, để trú ẩn” nên đã đẩy giá vàng trong nước tăng cao trong hàng chục năm qua không giảm.

Thận trọng đầu tư chốt lời

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, rất lâu rồi giá vàng mới tăng mạnh như thời gian gần đây, vì vậy nhà đầu tư đang ôm vàng có thể nghĩ đến việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận hấp dẫn.

“Nhà đầu tư không nên chờ giá lên “đỉnh” mới chốt lời. Thực tế giá vàng tăng nhưng không biết đâu là “đỉnh” và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu đến thời điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán”, ông Thịnh khuyên.

Khoảng cách chênh lệch giữa giá mua – bán hiện nay là hơn 1 triệu đồng/lượng, đây là mức chênh lệch khá lớn, nguy hiểm cho người mua vàng.

Cũng theo ông Thịnh, thị trường vàng nhiều năm qua cho thấy, khi giá vàng leo thang hoặc biến động bất thường là lúc các nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng, nên đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ lướt sóng.

“Nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà cần quan sát, cân nhắc kỹ đến các kênh đầu tư khác như nhà đất, tiết kiệm, chứng khoán, trái phiếu”, ông Thịnh nói.

Về thắc mắc giá vàng cao có ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế xã hội trong nước, TS Nguyễn Bích Lâm cho biết, thực tế giá vàng trong nước bao giờ cũng cao hơn giá vàng thế giới, vì với các doanh nghiệp, nhà đầu tư bao giờ cũng đặt vào giá kỳ vọng sẽ tăng.

“Rất nhiều năm giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng bởi tâm lý giữ vàng của người Việt lớn hơn so với các nước khác. Thực tế, người Việt chỉ giữ vàng một thời gian. Khi giá vàng ổn định thì họ sẽ chuyển đổi từ vàng sang tài chính khác để sinh lời.

Vì vậy, vàng dù có lên cao nhưng cũng chỉ duy trì một thời gian nhất định chứ không thể neo mãi và không có tác động nhiều đến nền kinh tế”, ông Lâm phân tích.

Kiềm chế giá vàng thế nào?

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trước hết phải nói đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước, bởi họ vừa nhập khẩu, vừa kinh doanh vàng, nên vai trò kinh doanh vàng có lẽ cần chấm dứt.

“Ngân hàng Nhà nước nên để việc nhập vàng, kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp nhập khẩu có uy tín, tình hình tài chính ổn định và trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường. Khi Ngân hàng Nhà nước rút về với vai trò là nhà quản lý tối cao thì thị trường vàng sẽ có sự ổn định hơn và đi theo thị trường vàng thế giới. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới thì sẽ có sự điều chỉnh”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên mở một sàn giao dịch vàng, trong đó các nhà kinh doanh, nhà đầu tư chuyên nghiệp giao dịch và được thực hiện một cách tự do, thông thoáng, biết được sự biến động giá từng giờ.

“Lượng vàng trong dân hiện rất nhiều và làm sao để huy động mang ra hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Phương pháp là Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra nhận vàng trong dân và phát ra một chứng chỉ vàng, dùng vàng đó để Chính phủ vay tiền nước ngoài hoặc sử dụng vào hỗ trợ kế hoạch tài chính của Chính phủ thay vào đó là để số lượng vàng đang “nằm bất động” trong dân”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Ở một góc nhìn khá tích cực, ông Hiếu cũng cho rằng, khi giá vàng cao, dòng tiền tích trữ trong dân sẽ được đưa ra để lưu thông.

“Khi giá vàng cao, họ mua vào thay bằng gửi ngân hàng thì lượng tiền đó sẽ được đẩy ra lưu thông và đó là điều tích cực. Hiện nay nhiều kênh đầu tư đều bấp bênh từ chứng khoán, bất động sản đến gửi ngân hàng. Đây điều rất thuận lợi cho nền kinh tế bởi dòng tiền lưu thông tốt”, ông Hiếu nói.


Lượt xem: 1

Trả lời