Giá lúa tăng cao, doanh nghiệp thiếu vùng nguyên liệu rất khó thu mua

Cập nhật 22/11/2023, 08:11:14

Hiện nay, giá lúa tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu gặp khó trong khâu thu mua, chế biến và hoàn thành các hợp đồng đã ký kết.

Thực tế thời gian qua cho thấy, để nâng cao thương hiệu và chủ động nguồn hàng, các thương nhân xuất khẩu gạo cần phải chủ động liên kết với các hợp tác xã để có những vùng nguyên liệu lớn, giúp các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thương mại với các đối tác nhập khẩu và không sợ bị “bẻ kèo”.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, 10 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đánh giá từ các chuyên gia, thị trường lúa, gạo đang trải nhiều biến động và trong suốt thời gian qua giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Giá lúa, gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.

Thực tế cho thấy, tình hình giá gạo Việt Nam tăng đã dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nên đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu. Đối với những trường hợp là doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Cần nói thêm, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác.

Cũng phải nhìn nhận rằng thời gian qua, khi giá lúa tăng cao đã có hiện tượng thương lái thu gom hàng, hay một số nông dân có tâm lý “bẻ kèo” với doanh nghiệp, sẵn sàng đền bù để bán lúa cho cò với mức giá tốt hơn. Điều này cho thấy sự liên kết còn lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và người dân. Thống kê không chính thức cho thấy có tới 50% doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, 37% là người dân bán qua hợp tác xã, và khoảng 12% bán trực tiếp. Việc giành giật, mua bán mặt hàng lúa cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được vùng nguyên liệu, từ đó khó chủ động nguồn hàng.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty lương thực Phương Đông (ORICO) cho rằng, giá lúa gạo tăng là điều đáng mừng cho nông dân. Tuy nhiên, cần phải tính toán tính bền vững trong chuỗi giá trị giữa các thành phần với nhau.

“Doanh nghiệp đã làm liên kết nhưng đội giá thành rất nhiều. Lực lượng thương lái, cò lái thao túng thị trường vẫn tồn tại là có lý do, nông dân cũng cần thương lái, doanh nghiệp cũng cần thương lái vì họ là các đầu mối. Nông dân không giỏi trong chuyện kinh doanh, tính toán được thị trường nên không thể làm ngược quy luật kinh tế thị trường, thị trường sẽ điều khiển và doanh nghiệp và người dân mầy mò để đạt được mục đích”, ông Việt Anh lưu ý.

Theo một số chuyên gia phân tích và dự báo thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, như vậy sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro như năm nay, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn.


Lượt xem: 2

Trả lời