Gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ – Bình oxy tiếp sức cho doanh nghiệp

Cập nhật 24/8/2021, 07:08:10

Gần 80.000 DN giải thể trong 7 tháng đầu năm, nhiều DN không còn tiền để trả nợ ngân hàng. NHNN đang đề xuất kéo dài thời hạn cơ cấu nợ để hỗ trợ DN.

NHNN vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2020, và thông tư 03/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn cơ cấu nợ hơn.

Theo dự thảo, các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 đều sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời hạn này đã nới hơn so với mốc 10/6/2020 hiện nay. Đồng thời, NHNN cũng đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng, đến 30/6/2022, thay vì chỉ đến cuối năm 2021 này.

Gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ – Bình oxy tiếp sức cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, nếu không sửa đổi quy định, từ giờ tới cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, doanh nghiệp khó có thể trả nợ ngay được. Giải pháp này được xem như bình oxy, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn trong đợt bùng phát dịch này.

Gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ - Bình oxy tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng gượng để nuôi hàng trăm, hàng nghìn người lao động. Gia hạn nợ lúc này như máy trợ thở, giúp các doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, tiếp tục có dòng tiền cho sản xuất. Thực tế, hơn một nửa trong số 4000 khách hàng được cơ cấu nợ tại ngân hàng TMCP Quân đội MB đã có thể hoàn trả nợ gốc và lãi, còn lại cũng đang dần phục hồi trở lại.

Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội MB, cho biết: “Việc gia hạn là cần thiết vì dòng tiền không phù hợp với cơ cấu tính toán cho vay lần đầu theo phương án trả nợ gốc lãi, nên sẽ giúp khách quay vòng vốn, làm nào phù hợp với thời hạn đến hạn của khoản vay cũ và mới”.

Bà Văn Thành Khánh Linh, Giám đốc khối Quản lý rủi ro, Ngân hàng TMCP Bản Việt, nói: “Đây chính là bình oxy của NHNN và các NH tiếp sức cho họ qua cái mùa dịch này. Nguồn thu của họ từ đầu ra bị giảm thì NH cũng điều chỉnh hợp đồng vay và lịch trả nợ giúp họ không bị điều chỉnh nhóm nợ, tiếp tục sản xuất”.

Đến cuối tháng 7, đã có trên 198.000 khách hàng được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, với dư nợ cho vay gần 310 nghìn tỷ đồng.

Sửa quy định cơ cấu thời hạn trả nợ nên linh hoạt hơn

Theo Hiệp hội Ngân hàng, ước tính, đã có khoảng 1,19 triệu tỷ đồng dư nợ được các NHTM cho vay từ sau ngày 10/6/2020 đến nay. Vì thế, quy định sửa đổi sẽ giúp hỗ trợ thêm 1 lượng lớn doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn.

Gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ - Bình oxy tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Rõ ràng, kéo dài thời hạn cơ cấu, giãn hoãn nợ cho người dân, doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo thông tư sửa đổi không nên đưa ra những quy định chi tiết, cứng nhắc về từng mốc thời gian, để tránh nguy cơ sẽ tiếp tục phải sửa đổi khi đến hạn.

Dự thảo được NHNN đề xuất lấy mốc 30/6/2022 để gia hạn nợ, vì dựa trên kế hoạch của Chính phủ về chiến dịch tiêm chủng quốc gia, trong đó, phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm nay, đầu năm sau. Tuy nhiên, giả sử khi đó dịch có thể được kiểm soát, doanh nghiệp cũng mất ít nhất 1 năm mới có thể phục hồi. Vì thế, không kịp mốc 30/6 năm sau.

Ông Đào Ngọc Kim, Giám đốc công ty TNHH SX TM DV Vĩnh Hưng Đạt, nói: “Đề nghị Chính phủ sớm giãn nợ, tăng thời gian đáo hạn ngân hàng, ít nhất bằng thời gian giãn cách theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị tiềm lực tài chính”.

Mỗi khoản nợ được cơ cấu lại trong vòng 12 tháng. Nhiều NH cho rằng quy định này là bất cập, thay vào đó, nên cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu theo dòng tiền thực tế của doanh nghiệp bởi hiện nay, dù giữ nguyên nhóm nợ nhưng các NHTM vẫn phải trích lập dự phòng 100% trong vòng 3 năm đề đề phòng khoản vay biến thành nợ xấu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng sửa đổi thông tư chỉ giải pháp tình thế. Để giải quyết dứt điểm, Chính phủ cần cho phép khoanh nợ từ 1-2 năm cho 1 số nhóm khách hàng, để doanh nghiệp có thể tập trung nguồn vốn phục hồi sau dịch và ngân hàng cũng không chịu áp lực quá nhiều về rủi ro nợ xấu.

NHNN đang tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan cho dự thảo. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, sẽ sửa đổi thông tư theo hướng tích cực hơn, rõ ràng hơn về thời điểm cơ cấu nợ, đảm bảo hài hòa, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, an toàn cho hệ thống Ngân hàng, và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo VTV


Lượt xem: 15

Trả lời