EU “thắt lưng buộc bụng” sau 6 tháng xung đột

Cập nhật 25/8/2022, 13:08:27

Người dân châu Âu đang phải sống “thắt lưng buộc bụng” khi lạm phát tăng kỷ lục sau 6 tháng kể từ khi căng thẳng leo lang với Nga.

Thời gian qua, sức nóng của cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đã tác động trực tiếp tới túi tiền của những người dân bình thường cũng như tác động trực tiếp tới chương trình nghị sự tranh cử của các chính trị gia châu Âu suốt 6 tháng qua.

Những dự báo mới nhất đang chỉ ra, nguy cơ suy thoái với nền kinh tế châu Âu là có. Hiện lạm phát trên toàn EU là 9,8% – mức kỷ lục. Đáng lo ngại là 16/27 nước thành viên EU ghi nhận số liệu lạm phát 2 chữ số.

Mặt hàng tác động trực tiếp tới sức tăng của chỉ số giá tiêu dùng là năng lượng. Giá khí đốt đã tăng 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, hàng loạt kế hoạch khẩn cấp đã được triển khai trên cấp độ toàn liên minh như giảm tiêu thụ và nhập khẩu từ nay đến cuối năm; bỏ phiếu cho phép năng lượng hạt nhân là năng lượng xanh hồi tháng trước; nhất trí mua chung khí thiên nhiên hoá lỏng LNG để có được mức giá tốt nhất, bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường.

Còn ở cấp độ quốc gia, nhiều nước EU đang kích hoạt trở lại các nhà máy điện than dù biết sẽ thải ra nhiều khí CO2 hơn.

Ngành công nghiệp châu Âu thu hẹp sản xuất

Rõ ràng chiến lược năng lượng tại châu Âu đang cho thấy sự thay đổi rất lớn trong bối cảnh phải “cai bầu sữa năng lượng từ Nga”. Suốt 2 thập kỷ qua, lục địa già đã quá phụ thuộc vào dòng chảy khí đốt, dầu mỏ từ gấu Nga để vận hành nền kinh tế khi các mỏ khí tự nhiên ở Biển Bắc cạn kiệt. Để khi mối quan hệ leo thang hậu quả nhãn tiền đã rõ.

Giờ người dân nghèo nhiều nước châu Âu còn phải tiết kiệm từng thanh củi, mùn cưa, thậm chí người dân Đức còn phải đi mua từng bao than tích trữ trước mùa đông này.

Thích ứng là điều người dân châu Âu phải làm thời điểm này. Nhưng chuyện phải cắt giảm năng lượng dự báo cũng sẽ tác động tới các ngành công nghiệp châu Âu. Sức nóng của nguy cơ thiếu khí đốt, thiếu điện đang lan toả tới nhiều lĩnh vực.

EU “thắt lưng buộc bụng” sau 6 tháng xung đột - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp châu Âu thu hẹp sản xuất do thiếu năng lượng. Ảnh minh họa – Ảnh: File Photo

Theo Cơ quan thống kê châu Âu, chi phí sản xuất công nghiệp trong những ngành công nghiệp mũi nhọn sử dụng nhiều năng lượng như luyện kim, thép, chế tạo máy, hoá chất, phân bón… đã tăng gần 24% trong tháng 6 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nhiều doanh nghiệp trong những nhóm ngành này cho biết đã phải dừng sản xuất một số dây chuyền.

Tuy nhiên họ tạm ngừng do giá khí đốt, giá điện đầu vào quá cao, nếu tiếp tục sản xuất thì sẽ lỗ, không phải hoàn toàn nguyên nhân do thiếu hụt năng lượng. Có thể nhiều doanh nghiệp sản xuất không thiết yếu hay quy mô nhỏ như sản xuất thuỷ tinh, đóng hộp phải đóng cửa thật như tại Italy, Hà Lan hay Slovakia… Nhưng đây là bài toán kinh doanh bù lỗ chi phí, hoạt động sản xuất vì thế có thể giảm trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đức hỗ trợ các công ty sử dụng nhiều năng lượng

Đức – nền kinh tế lớn nhất EU đang là tâm điểm của sự thiếu hụt năng lượng do nhu cầu khí đốt lớn phục vụ hệ thống sưởi và hoạt động công nghiệp. Nguồn cung từ Nga qua Dòng chảy phương Bắc 1 tới Đức đã giảm 80% công suất.

Chính vì vâỵ, Ủy ban châu Âu đã “bật đèn xanh” để Đức được hỗ trợ 27,5 tỷ Euro cho các công ty dùng nhiều năng lượng. Các công ty sản xuất da, giấy hoặc trong ngành kim loại … đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ.

Có thể thấy nếu đầu tàu kinh tế là Đức thiếu năng lượng sẽ khó có thể kéo các toa còn lại đi lên. Tuy nhiên, hiện việc điều tiết năng lượng từ các nước EU khác tới Đức cũng không quá khả thi do mạng lưới chưa hoàn thiện.

Đức cũng đang gấp rút xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận và chuyển hoá khí thiên nhiên hoá lỏng LNG, nhưng hệ thống nổi đầu tiên sẽ chưa thể đi vào hoạt động trong năm nay. Mục tiêu lấp đầy kho dự trữ 100% có thể khó đạt được trước mùa đông.

Nguy cơ suy thoái EU

Một vấn đề khác cũng đang gây đâu đầu giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong 6 tháng qua đó là tỷ giá Euro/USD đã về ngang bằng 1-1, thậm chí dưới ngưỡng này. Qua đó làm đảo lộn nhận thức cố hữu của mọi người rằng “đồng Euro luôn có giá trị cao hơn đồng bạc xanh”.

Việc FED tăng lãi suất quá nhanh, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu châu Âu lại tăng chậm hơn rất nhiều đã tạo áp lực lên đồng Euro. Dù ECB đã tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tháng 7 nhưng có lẽ mức lãi suất từ âm về 0% hiện nay sẽ chưa thể kiềm chế nhanh tốc độ lạm phát lên tới 9,8%. Chỉ số giá sản xuất thì tăng trong khi hoạt động sản xuất thu hẹp khiến nguy cơ suy thoái tại EU đang dần hiện hữu.

Theo đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng Liên minh châu Âu đối mặt với suy thoái kinh tế trong cuối năm nay. Không chỉ các chuyên gia kinh tế mà lãnh đạo nhiều nước châu Âu gần đây liên tục cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế.

EU “thắt lưng buộc bụng” sau 6 tháng xung đột - Ảnh 2.

EU đã dự trữ được gần 80% lượng khí đốt cần dùng cho mùa Đông sắp tới. Ảnh minh họa – Ảnh: Reuters.

Tổng thống Phần Lan cho rằng, người dân các nước châu Âu sẽ phải quen với thực tế là nền kinh tế không còn tăng trưởng từ năm này qua năm khác. Các chuyên gia phân tích thông tin kinh tế của tạp chí The Economist (Anh) dự báo sẽ có một cuộc suy thoái ở châu Âu vào mùa đông 2022 – 2023 do thiếu năng lượng và lạm phát gia tăng liên tục.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, Đức – nền kinh tế đầu tàu châu Âu, có thể giảm tăng trưởng 0,4% trong năm nay và đà phục hồi sẽ không mạnh sau đó. Giới chuyên gia kinh tế Đức dự báo nguy cơ suy thoái tại Đức có thể kéo dài từ quý 4 năm nay sang quý II năm sau. Tuy nhiên, mức độ suy thoái không có khả năng nghiêm trọng như năm 2008 hay suy thoái kinh tế trong những tháng đầu đại dịch COVID-19 bùng phát.

Số liệu mới nhất cho thấy, EU đã dự trữ được gần 80% lượng khí đốt cần dùng cho mùa Đông sắp tới. Một mùa đông không lạnh là cam kết được các lãnh đạo EU đưa ra. song năng lượng cũng chính là gót chân Achilles của châu Âu. Trong ngắn hạn, cuộc chiến khí đốt có thể sẽ khiến chiến lược năng lượng của lục địa già phải thay đổi khi ưu tiên điện hạt nhân và than đá. Song cuộc chiến suốt 6 tháng qua cũng sẽ là bàn đạp để EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào một nguồn năng lượng nào đó quá lâu.

Để tránh nguy cơ suy thoái kéo dài, giải quyết lạm phát và khôi phục tỷ giá đồng Euro, các chuyên gia cho rằng ưu tiên hàng đầu của EU là hối thúc Ukraine và Nga tìm kiếm giải pháp đàm phán hoà bình. Bởi cuộc chiến này diễn ra ở ngay trong lòng châu Âu và càng kéo dài thì chính châu Âu không phải ai khác sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh sức bền trừng phạt về kinh tế với Nga.

Theo VTV


Lượt xem: 2

Trả lời