Doanh nghiệp trong nước ở Bình Dương nỗ lực vượt khó

Cập nhật 18/8/2023, 08:08:47

Sau đại dịch Covid-19 rồi đến biến động của tình hình thế giới khiến các doanh nghiệp tại Bình Dương gặp nhiều khó khăn về đơn hàng xuất khẩu. Để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân, các doanh nghiệp ở Bình Dương, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước đang tìm cách mở rộng thị trường.

Chính quyền Bình Dương cũng đồng hành, tìm các giải pháp trợ lực để doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Công ty Cổ phần Tôn Đông Á hiện có gần 1.300 công nhân đang làm việc tại các nhà máy ở tỉnh Bình Dương. Sản phẩm chủ yếu của công ty là tôn kẽm, tôn màu, tôn lạnh… và đã được xuất khẩu sang thị trường của 50 quốc gia trên thế giới. Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường xuất khẩu rộng, thế nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát, công ty cũng mất đi nhiều đơn hàng.

Trước tình hình này, công ty đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt để tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, duy trì việc làm ổn định cho công nhân. Đặc biệt, công ty cũng đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất để tăng năng suất lao động.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tôn Đông Á chia sẻ, năm 2023 là một năm có nhiều biến động, nhiều ẩn số khó lường, công ty xác định đầu ra cho sản phẩm là quan trọng nhất.

“Công suất mua thị trường trong nước giảm 30%, Tôn Đông Á bù đắp bằng cách tăng vị thế ở thị trường xuất khẩu. Đến nay, công ty đã tăng xuất khẩu trên 60%, giữ vững được công suất trên 95% hoạt động, bảo đảo công ăn việc làm và đóng góp ngân sách nhà nước” – ông Nguyễn Thanh Trung nói.

Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp ống nhựa cho các công trình trong nước nhưng hai năm nay thị trường bất động sản “đóng băng” khiến cho Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam đặt tại tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Để có đơn hàng, công ty tăng cường đội ngũ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm ở tất cả công trình đang xây dựng trong cả nước. Những công trình gặp khó về chi phí thì công ty hỗ trợ cho trả sau nhằm lấy đơn hàng để công nhân có việc làm.

Ông Hồ Phi Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam cho biết, công ty đang chuyển hướng xuất khẩu chứ không chỉ cung ứng nội địa như trước đây.

“Nhựa Tiền Phong hiện đang xuất khẩu một số phụ kiện qua Anh, Úc, Đức. Công ty cũng đang dự định làm một số sản phẩm mới chuyên dùng xuất khẩu. Khả năng đến cuối năm 2024 sẽ xuất đi Mỹ. Hy vọng đến cuối năm 2023, tình hình sẽ khả quan khi có các động thái của Chính phủ tháo gỡ doanh nghiệp bất động sản thì tình hình sẽ tươi sáng hơn” – ông Hồ Phi Hải nói.

Trợ lực để doanh nghiệp vượt khó

Trong tình hình khó khăn chung, doanh nghiệp mong muốn tỉnh Bình Dương tạo điều kiện để các công trình đầu tư công sử dụng sản phẩm do các công ty trong nước sản xuất. Đồng thời, tỉnh rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về quy hoạch, cấp phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và giảm chi phí thuê đất cho doanh nghiệp.

Chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các chủ đầu tư khu công nghiệp xem xét, hỗ trợ giảm tiền thuê nhà xưởng cho doanh nghiệp. Hiện, các chủ đầu tư khu công nghiệp trong tỉnh cũng đã giảm tiền thuê nhà xưởng cho doanh nghiệp từ 30-70%.

Ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Hưng Thịnh, chủ đầu tư Khu công nghiệp Đồng An ở Bình Dương cho biết, khu có gần 150 doanh nghiệp với hơn 41.000 lao động. Hiện nay, năng lực sản xuất của doanh nghiệp giảm 70%, số lao động giảm 20%. Chủ đầu tư đã giảm tiền thuê nhà xưởng cho doanh nghiệp từ 30-70%.

Ông Lân kiến nghị, chủ đầu tư đã chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp thì cũng mong chính quyền hỗ trợ ngược lại: “Cho thuê được miếng đất chủ đầu tư rất mừng nhưng thủ tục 6 tháng vẫn chưa lấy được tiền thuê. Địa chính 3 tháng, thuế 3 tháng vẫn chưa tính xong tiền nên cần phải tính nhanh. Một doanh nghiệp nhỏ, hay ngoài khu công nghiệp thì dễ dàng nhưng chủ đầu tư khu công nghiệp thì phải giao giấy tờ đất thì phía doanh nghiệp mới xây dựng, sửa chữa, cải tạo được”.

Trước những kiến nghị, mong muốn của doanh nghiệp, chủ đầu tư khu công nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã đề nghị các sở, ban ngành nghiên cứu để tham mưu hướng giải quyết theo đúng quy định, phù hợp quy hoạch, chủ trương của tỉnh. Bình Dương cũng có những đổi mới để đồng hành với doanh nghiệp.

“Đối với Bình Dương, sắp tới sẽ cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo ra môi trường thuận lợi hơn để đầu tư sản xuất, phát triển. Lãnh đạo tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức gặp gỡ các đơn vị, các hiệp hội ngành hàng, các chủ đầu tư để chúng ta cùng trao đổi chung, tháo gỡ chung với nhau những khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo môi trường thuận lợi nhất để Bình Dương phát triển trong giai đoạn tới” – Nguyễn Văn Lợi nói.

Nhờ sự giúp sức của chính quyền và tự lực vượt khó vươn lên của doanh nghiệp mà tính đến ngày 31/5/2023, Bình Dương có 62.075 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 658.267 tỷ đồng. Riêng thu hút đầu tư nước ngoài có hơn 4.100 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ USD.


Lượt xem: 2

Trả lời