Doanh nghiệp lo chi phí sản xuất tăng nếu không gia hạn vay ngoại tệ

Cập nhật 29/11/2017, 14:11:02

Nhiều doanh nghiệp lo ngại chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên nếu Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh thời hạn cho vay ngoại tệ.

Chỉ còn hơn một tháng nữa để các ngân hàng thương mại kết thúc hoạt động cho vay ngoại tệ theo quy định tại Thông tư 31/2016.

Như vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh thời hạn, dự kiến hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng sẽ chuyển sang mua – bán thương mại đơn thuần sau ngày 31/12. Nhiều doanh nghiệp lo ngại chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên.

doanh nghiep lo chi phi san xuat tang neu khong gia han vay ngoai te hinh 1
(Ảnh minh họa: KT)

Theo Thông tư 31/2016 của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại được phép cho vay bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết tháng 12/2017.

Doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ được phép vay ngoại tệ rồi đổi sang tiền đồng để thanh toán chi phí trong nước, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại gia tăng chi phí sản xuất nếu Ngân hàng Nhà nước cắt tín dụng ngoại tệ theo hình thức này.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, vay Đô la Mỹ (USD) lãi suất chỉ 3%/năm, thấp hơn so với việc vay bằng tiền đồng lãi suất hiện ở mức 7-8%/năm. Nếu không được vay ngoại tệ nữa, chi phí, giá thành sản xuất sẽ đội lên, ảnh hưởng đến cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu.

Cùng chung nỗi lo này, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó khăn. Công ty cần 10-15 triệu USD mỗi năm, nếu Ngân hàng Nhà nước cho vay ngoại tệ và trả bằng đồng thì đỡ chi phí và đỡ phiền toái.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố và lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với doanh nghiệp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thời hạn cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay đến hết ngày 31/12/2018.

Theo các chuyên, việc nới thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước là cần thiết, tránh chấm dứt đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu, do hiện lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn khá nhiều so với lãi suất vay tiền đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc làm này không ảnh hưởng đến cung cầu ngoại tệ. Bởi khi doanh nghiệp vay được ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại thì sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng và đổi thành tiền đồng Việt Nam.

Doanh nghiệp không được giữ ngoại tệ để bán trên thị trường hưởng chênh lệch về giá, nên không ảnh hưởng nhiều thị trường ngoại hối. Nếu Ngân hàng tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ, thì cần quy định cụ thể về đối tượng vay, TS. Hiếu đánh giá.

Đây không phải là lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn tín dụng ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu. Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần muốn chấm dứt cho vay ngoại tệ, nhưng trước yêu cầu thực tế, việc nới thời hạn được chuyển tiếp qua các năm, kéo dài cho đến nay.

Thời gian tới Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục kiên trì định hướng từng bước hạn chế lộ trình vay ngoại tệ. Các doanh nghiệp phải chủ động trong việc xây dựng phương án kinh doanh trong lộ trình đó, để chuyển sang các quan hệ vay bằng đồng Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng nếu hoạt động cho vay ngoại tệ chấm dứt thì trước tiên cần tạo môi trường mua bán ngoại tệ thuận lợi hơn.

Mục tiêu lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục kiểm soát chống đô la hóa, nên định hướng lâu dài là chuyển đổi sang quan hệ mua bán đơn thuần. Nhưng chuyển đột ngột thì chưa đến thời điểm chín muồi. Vì tính thanh khoản mua bán ngoại tệ hiện chưa cao nên vẫn phải duy trì quan hệ vay mượn cho đến khi thị trường ngoại tệ mua bán thuận lợi hơn, TS. Lực phân tích.

Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với doanh nghiệp.

Việc xem xét đề xuất gia hạn cho vay tín dụng ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy sự điều hành tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, mục tiêu lâu dài là ổn định thị trường tiền tệ, chống đô la hóa trong nền kinh tế. Các chuyên gia khuyến cáo việc hỗ trợ phải đúng đối tượng và mục tiêu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát giảm thiểu các tác động tiêu cực đến thị trường ngoại tệ trong thời gian tới./.

Theo VOV


Lượt xem: 21

Trả lời