Doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi công nghệ để tăng năng suất

Cập nhật 10/2/2024, 09:02:30

TP.HCM có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 1.400 doanh nghiệp. Các khu này đã nhận rõ vấn đế sử dụng công nghệ cũ, thâm dụng lao động sẽ hạn chế sức cạnh tranh. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh hơn thì doanh nghiệp cần được hỗ trợ thiết thực hơn.

Robot giúp tăng năng suất

Công ty TNHH JuKi Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, chuyên sản xuất các thiết bị cho máy may và linh kiện cho điện lạnh, điện gia dụng, điện công nghiệp…Công ty có 4 nhà máy với hơn 1.100 lao động. Để nâng cao năng xuất sản xuất, giá thành cạnh tranh, gần đây doanh nghiệp này đã đẩy mạnh chuyển đổi tự động hóa ở nhiều khâu, như: tạo khuôn, tạo hình, lắp ráp các chi tiết. Trong đó, JuKi đã nhập robot về làm thay cho con người.

Ông Nguyễn Quang Quý, Tổng quản đốc nhà máy 4 của JuKi cho biết, khâu nhún khuôn là khâu nặng nhọc với mỗi khuôn  nặng 15-20kg, cần đến 3 người thay phiên nhau làm. Giờ dùng robot nhún thì chỉ cần 1 người điều khiển đồng thời công suất tăng gấp đôi với 1.000 khuôn/ ngày.

Hiện nay, Công ty TNHH JuKi Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu để chuyển đổi công nghệ tự động hóa cho các khâu khác trong sản xuất. Ông Quý cho biết thêm: “Những công đoạn nào tự động hóa được thì chúng tôi sẽ tự động hóa để nâng sức cạnh tranh. Ví dụ như khâu rót kim loại thì chúng tôi đang nghiên cứu có thể dùng rô-bốt thực hiện. Nếu công đoạn nào nặng, nguy hiểm thì sắp tới chúng tôi cũng dùng rốt- bốt như khâu mài cánh quạt, vì hiện nay lao động phải ôm từng cánh mài rất nặng”.

 Doanh nghiệp cần được hỗ trợ

Ở TP.HCM, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đã hình thành từ 20-30 năm trước nên không ít doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu. Thực tế là doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi công nghệ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện, khả năng.

Ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM cho biết, chỉ có khoảng 10% hội viên của Hội có khả năng chuyển đổi công nghệ. Vì vậy, TP cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ dễ dàng và hiệu quả hơn: “Nếu doanh nghiệp không đầu tư động hóa thì không tăng năng suất thì  không cạnh tranh được thì doanh nghiệp không có tiền đầu tư, doanh nghiệp không vào được thị trường. Nếu hỗ trợ mà doanh nghiệp nhỏ quá không đủ điều kiện để đu theo các chính sách, hồ sơ rồi độ trễ của chương trình… thì doanh nghiệp  còn “chết sớm”nữa”.

Trước đây, TP.HCM từng có Chương trình vốn kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ được hỗ trợ lãi suất và vay dài hạn nhưng sau đó chương trình này đã dừng lại. Nếu cuối tháng 6 này, Quốc hội thông qua việc tái khởi động chương trình kích cầu đầu tư của TP thì đây sẽ là nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ.

Đồng thời, mới đây TP.HCM vừa phê duyệt chủ trương, định hướng phát triển các khu chế xuất và các khu công nghiệp giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến 2040. Căn cứ vào đây, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) sẽ tập huấn, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và đào tạo tay nghề cho lao động quá trình chuyển đổi này.

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết: “Từ trước đến nay, TP chỉ có quỹ kích cầu để cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thâm dụng lao động, Hepza luôn khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi công nghệ. Hepza sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi như các thủ tục hành chính làm sao cho suôn sẻ và nhanh”.

Với thực trạng hiện nay, chuyển đổi công nghệ, tự động hóa trong sản xuất của các doanh nghiệp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này, TP.HCM cần sớm triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Lượt xem: 2

Trả lời