Cửa khẩu thông minh: Thúc đẩy kinh tế biên mậu Việt Nam – Trung Quốc

Cập nhật 08/8/2023, 08:08:39

Lạng Sơn đang tiếp tục nâng cấp mô hình cửa khẩu số, tiến tới xây dựng “Cửa khẩu thông minh” như Thỏa thuận khung mà Lạng Sơn vừa kí kết với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa qua. Mô hình cửa khẩu thông minh được kì vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy thông quan hàng hóa qua biên giới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Trong quá trình triển khai nền tảng cửa khẩu số – một mô hình mới và chưa có tiền lệ, cơ bản việc thực hiện của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng đều nhận được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, bởi chính các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển đổi số. Ông Phạm Tuấn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương (đơn vị kinh doanh bến bãi, dịch vụ logistics tại cửa khẩu Hữu Nghị) cho biết, doanh nghiệp cũng luôn phải cập nhật, khắc phục những hạn chế để phù hợp với những giải pháp công nghệ chung, song song với đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã cắt giảm chi phí vận hành, tăng trải nghiệm của khách hàng, gia tăng những tiện ích về quản trị nội bộ để hướng tới mục tiêu chuyển mình thành doanh nghiệp số.

“Để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn có thể kết nối với các phần mềm của cơ quan quản lý nhà nước, như phần mềm cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn, phầm mềm của Hải quan, Biên phòng… để trao đổi các thông điệp về công nghệ, hàng hóa, xe ra xe vào môt cách nhanh hơn, tiện lợi hơn, thay vì cách làm truyền thống, thủ công như bây giờ”, ông Phạm Tuấn Hoàng cho biết.

Hiện nay, mỗi cơ quan ở khu vực cửa khẩu như: Hải quan, Biên phòng đều có các phần mềm quản lý theo chuyên ngành, nhiệm vụ được giao. Đơn cử như lực lượng Hải quan sử dụng phần mềm của Tổng cục Hải quan; lực lượng Bộ đội Biên phòng sử dụng phần mềm quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng… Vì vậy, việc triển khai nền tảng cửa khẩu số vẫn gặp một số khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa nền tảng với hệ thống thông tin của các bộ ngành. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có sự liên thông, gắn kết giữa các hệ thống này với nền tảng cửa khẩu số để từ đó có sự kết nối thông tin liền mạch, xuyên suốt và đồng nhất, khi đó các cơ quan trong khu vực cửa khẩu sẽ đóngvai trò “giám sát chéo” để hạn chế tối đa các tiêu cực, thiếu minh bạch trong quá trình hoạt động của các lực lượng.

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nền tảng cửa khẩu số cần được quản trị một cách hiệu quả nhất thông qua việc quản lý tài khoản người sử dụng. Khi đó mỗi một tài khoản được gắn với trách nhiệm cụ thể, trong thời gian tới, khi nền tảng cửa khẩu số chính thức được áp dụng, các vấn đề liên quan đến quản trị hệ thống, quản trị dữ liệu trong nền tảng cửa khẩu số sẽ được đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đề ra.

“Vấn đề đặt ra ở đây là những chức năng nào của nền tảng cửa khẩu số sẽ thực hiện đồng bộ trên hệ thống hải quan thông minh, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, báo cáo với các cơ quan có liên quan để làm sao chính thức hóa. Hải quan Lạng Sơn sẽ tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ, sắp xếp dây chuyền nghiệp vụ làm sao vừa vận hành hệ thống hải quan thông minh, vừa vận hành nền tảng cửa khẩu số, giúp 2 hệ thống này tương hỗ lẫn nhau, giúp cho hoạt động của Hải quan được minh bạch, rõ ràng hơn”, ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn nói.

Là mô hình chưa có tiền lệ nên Quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số được UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành có thời điểm đã vấp phải nhiều ý kiến “trái chiều” của các ngành, các lực lượng chức năng do một số nội dung vẫn “chưa đúng, chưa đủ” với quy định hiện hành. Quy trình chính thức sử dụng nền tảng cửa khẩu số đến nay đã 2 lần được sửa đổi, bổ sung và UBND tỉnh Lạng Sơn cũng tổ chức xin ý kiến, nhận xét của các khối, các ngành liên quan để điều chỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế. Địa phương cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông để đề nghị xem xét, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cũng như các đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số.

“Việc triển khai cửa khẩu số là mô hình mới, làm thí điểm ở Lạng Sơn, vì vậy, muốn nhân rộng ra cả nước, muốn có 1 nền tảng cửa khẩu số hoàn chỉnh thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cần có chỉ đạo để nghiên cứu, xác định những nội hàm, nội dung căn bản của cửa khẩu số là gì, để trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện nền tảng để đáp ứng được yêu cầu về quản lý, yêu cầu tác nghiệp của lực lượng chức năng cũng như giải quyết được hài hòa lợi ích của các bên có liên quan”, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn nêu rõ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh Lạng Sơn đã ký kết một thỏa thuận khung với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc về thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy kinh tế biên mậu giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, tăng cường thông quan hàng hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Quốc gia. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng tổ chức họp bàn để triển khai thỏa thuận khung về thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; hướng đến phương thức vận chuyển bằng xe tự hành AGV trên mặt đất (xe không người lái, vận hành trên băng chuyền phục vụ thông quan 24/24…). Tuy vậy, việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh chắc chắn sẽ có những vướng mắc về thủ tục pháp lý, về quy hoạch, hạ tầng cửa khẩu…

“Hiện nay, pháp luật của chúng ta vẫn chưa có Quy định về mô hình này, các Hiệp định của ta với Trung Quốc về vận tải hàng hóa trên đất liền cũng chưa có mô hình phương tiện không người lái thực hiện vận chuyển hàng hóa sang 2 Bên. Cùng với đó là những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư… cũng cần tiếp tục được Trung ương và địa phương quan tâm, cũng như xã hội hóa nguồn vốn để triển khai mô hình cửa khẩu thông minh này”, ông Hồ Tiến Thiệu kiến nghị.

Việc triển khai thành công chuyển đổi số khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đang dần hình thành nên một mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước, có khả năng nhân rộng áp dụng cho tất cả các cửa khẩu trên toàn quốc, góp phần hình thành hệ thống cửa khẩu số quốc gia, phục vụ cho quản lý nhà nước của Chính phủ và các địa phương phòng chống tiêu cực, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Với trọng tâm là nền tảng Cửa khẩu số, nâng cấp hơn nữa là Cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn sẽ phát huy được tối đa tiềm năng thế mạnh của mình trong kinh tế cửa khẩu, qua đó góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc cũng như nhập khẩu hàng hóa thiết yếu từ nước bạn để phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

VOV.


Lượt xem: 7

Trả lời