Công nghiệp phụ trợ: Không phát triển, cơ hội sẽ vào doanh nghiệp FDI

Cập nhật 31/3/2016, 07:03:43

Đầu tư của Nhà nước cho công nghệ phụ trợ còn hạn chế, việc ưu đãi, thu hút đầu tư vào công nghệ phụ trợ hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn.

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức “Diễn đàn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế-kỹ thuật cần đến công nghiệp phụ trợ. Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm nhưng đang phải nhập khẩu tới 80-85% nguyên liệu, tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm.

Nguyên nhân của những yếu kém này là do đầu tư của Nhà nước cho công nghệ phụ trợ còn hạn chế, việc ưu đãi, thu hút đầu tư vào công nghệ phụ trợ hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, trong khi các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ thường có quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ nội địa vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do, nếu không phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để có những doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đứng chân trong các chuỗi cung ứng, sản xuất của tập đoàn đa quốc gia, nguy cơ lợi thế về thuế suất từ TPP, các Hiệp định Thương mại tự do sẽ chỉ dành cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Hansiba cho biết: “Phải lấy chính các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp đó là các doanh nghiệp hiện đã và đang sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra chúng ta phải đặc biệt chú trọng vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi tạo các doanh nhân trẻ mà đã từng học tập tại các nước có nền công nghiệp phát triển”.

Theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, để ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển mạnh thì Chính phủ cần có những cải thiện về điều kiện để nhận được những chính sách ưu đãi. Việc xây dựng môi trường kinh doanh được hưởng nhiều chính sách ưu đãi sẽ làm khuấy động mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh của các hãng lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Ngoài ra, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể chế tạo, sản xuất được máy móc văn phòng, sản phẩm điện gia dụng thì Chính phủ Việt Nam cần có đề án rõ ràng cho việc hỗ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam một cách tập trung triệt để./.

Theo VOV


Lượt xem: 28

Trả lời