Cơ hội và thách thức với cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực tăng trưởng xanh

Cập nhật 06/2/2024, 08:02:25

Trong nỗ lực xanh hoá, các chuyên gia khẳng định, thời gian qua, các bộ ngành đã có nhiều cố gắng nhằm đưa ra những chương trình, hành động, lộ trình hiện thực hoá mục tiêu … nhưng thực tiễn hoạt động doanh nghiệp cho thấy cần cải thiện hệ thống pháp lý sát thực hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế mới.

Hiện thực hoá Quyết định 1658 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, toàn nền kinh tế đang nỗ lực thực hiện 4 mục tiêu: Giảm phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng. Các chuyên gia khẳng định, trong nỗ lực xanh hóa này, đầu tiên, phải thay đổi nhận thức, đặc biệt trong cộng đồng doanh nghiệp khối ngành sản xuất. Thay đổi nhận thức được thì quá trình triển khai mới hiệu quả như kỳ vọng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với doanh nhân, doanh nghiệp.

Từ số liệu thống kê của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, “mỗi năm kinh tế tuần hoàn tạo ra khoảng 4.000 – 5.000 tỷ USD và tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, thông qua các mô hình kinh doanh mới”.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội nhiều hơn thách thức, cần cộng đồng doanh nghiệp nhận biết sớm, khai thác tối đa tiềm năng nội tại và thị trường bên ngoài.

Cùng với vấn đề nhận thức, ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định, “tài chính xanh” là yếu tố phải bàn trong nỗ lực tăng trưởng xanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Theo ông Vinh: “Là người hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững 20 năm nay, tôi nhận thấy, nhận thức của doanh nghiệp và cả các cơ quan Chính phủ về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh gần đây đã cải thiện và thay đổi đáng kể. Khó khăn cho doanh nghiệp chính là nguồn tài chính xanh – ngoài nguồn lực con người, còn tài lực nữa. Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan đang phối hợp để đưa ra quy định thế nào là doanh nghiệp xanh để đáp ứng được những khoản tài chính xanh. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức”.

Trong nỗ lực xanh hoá, các chuyên gia khẳng định, thời gian qua, các bộ ngành đã có nhiều cố gắng nhằm đưa ra những chương trình, hành động, lộ trình hiện thực hoá mục tiêu … nhưng thực tiễn hoạt động doanh nghiệp cho thấy cần cải thiện hệ thống pháp lý sát thực hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế mới. Trong đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là những tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia đang sản xuất “xanh” tại Việt Nam, cần được tạo điều kiện hơn nữa, để thể hiện vai trò dẫn dắt tăng trưởng xanh tốt hơn:

Băng: Khu vực doanh nghiệp bao gồm FDI đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng 10-13%. Đây là tín hiệu rất tốt. Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức thì bây giờ, các doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh, đóng góp nhiều cho xã hội, bảo vệ môi trường thân thiện , sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.

Đại diện  một trong những doanh nghiệp FDI có thương hiệu tại thị trường Việt Nam, ông Chris Hogg – Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé khẳng định, Việt Nam đang là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện; nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh là mục tiêu khó với tất cả. Cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang có kinh nghiệm, có vốn, có công nghệ cao hơn, nhưng chia sẻ những thành công đó hiệu quả tới đâu, phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng tiếp nhận của doanh nghiệp thuần Việt:

Băng: Việt Nam đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chúng tôi cũng mong muốn trở thành một doanh nghiệp đạt phát thải bằng 0. Chuỗi cung ứng của chúng tôi có sự tham gia của 600.000 nhà nông trên khắp thế giới. Chúng tôi khuyến khích, động viên họ áp dụng công nghệ về nông nghiệp tái sinh – thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất: ưu tiên vấn đề sức khoẻ, tăng năng suất, giảm sử dụng hóa chất, tăng sử dụng khoa học công nghệ mới để tạo nên sự khác biệt. Tại VN, tôi tin chúng ta sẽ đạt được khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam, từ các đối tác của chúng tôi. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tư duy trong thực hiện phát triển xanh, đầu tư xanh, tương ứng với nền kinh tế xanh, xã hội xanh.

Liên quan đến đề xuất này, ông Đào Thế Anh, Viện Phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ, trong kế hoạch chuyển đổi lương thực, thực phẩm, về mặt sản xuất, Việt Nam đã cam kết định hướng chuyển đổi nông nghiệp sinh thái – tương tự định hướng sản xuất ông Chris Hogg vừa nêu. Nông nghiệp Việt Nam đang không chỉ nỗ lực định vị thương hiệu trên thị trường Việt mà còn mục đích chiếm lĩnh nhiều thị trường xuất khẩu, nếu không đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như trách nhiệm xã hội, an toàn thực phẩm, phát thải khí nhà kính… nỗ lực tăng trưởng xuất khẩu nông sản sẽ khó đạt mục tiêu. Cho nên, học hỏi kinh nghiệp của doanh nghiệp FDI là cần thiết, doanh nghiệp Việt cũng đã và đang có những mục tiêu, chương trình hành động riêng, trong nỗ lực chung này:

Băng: Chúng tôi quyết tâm 10 năm tới, vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng 2,5-3% đóng góp vào tăng trưởng chung. Thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu vẫn đảm bảo 5-6%. Thứ ba đảm bảo an ninh lương thực, anh ninh dinh dưỡng.Bên cạnh đó, giảm ô nhiễm đất, tăng cường sức khỏe cho đất, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng nước tiết kiệm. Biến đổi khí hậu xảy ra, nước không còn là tài nguyên thừa thãi nữa. Hiện phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành giảm tốt. Chúng tôi cũng cam kết đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp.

Tăng trưởng xanh không chỉ lợi ích về mặt kinh tế, đó là lợi ích tổng thể, bao gồm cả môi trường, xã hội… Như khẳng định của các chuyên gia, đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề quan trọng đầu tiên, vẫn là thay đổi nhận thức, còn nguồn lực và công nghệ – dù lợi thế đang nghiêng về các doanh nghiệp FDI nhưng bối cảnh mới đang hiện hữu nhiều cơ hội, thuận lợi với cộng đồng doanh nghiệp nội. Nếu biết cách học hỏi, khai thác và tận dụng những lợi thế đó, tiến trình xanh hoá doanh nghiệp sẽ hiệu quả sớm hơn, đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng của người Việt.


Lượt xem: 3

Trả lời