Cánh cửa số – Động lực phát triển Việt Nam theo một cách mới

Cập nhật 04/9/2020, 07:09:30

Công nghệ là nhân tố chính để phát triển kinh tế, là động lực để đưa Việt Nam thành nước phát triển.

Doanh nghiệp số và bài toán phát triển

100.000 doanh nghiệp số là mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam. Không đơn giản chỉ là câu chuyện số lượng, quan trọng hơn là một nền kinh tế số với lực lượng doanh nghiệp số có chất lượng để tạo động lực phát triển Việt Nam theo một cách mới.

Đây là lộ trình được đưa ra trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến 2030. Chúng ta xác định công nghệ là nhân tố chính để phát triển kinh tế là động lực để đưa Việt Nam thành nước phát triển. Mục tiêu là như vậy, nhưng để phát triển, còn khá nhiều băn khoăn từ phía các doanh nghiệp.

Cánh cửa số - Động lực phát triển Việt Nam theo một cách mới - Ảnh 1.

100.000 doanh nghiệp số là mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam.

Ông Vòng Thanh Cường, Chủ tịch Compa Group, cho biết: “Một số khách hàng lớn có giải pháp đo may cho họ nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có giải pháp phần mềm qua điện toán đám mây, tất cả đưa dữ liệu, thông tin xử lý trên đám mây để giúp tiết kiệm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng mà chi phí rẻ nhất và phù hợp nhất”.

Tuy nhiên, khó khăn được nhiều doanh nghiệp phản ánh chính là rào cản về các thủ tục hành chính.

Ông Phạm Hải Văn, Giám đốc miền Bắc, Công ty Haravan, nói: “Chúng ta cần có những mô hình để chúng ta thử nghiệm, tức là trước khi chúng ta đưa chính sách đó ra áp dụng toàn bộ các doanh nghiệp công nghệ, chúng ta sẽ áp dụng thử nghiệm ở một nhóm nhỏ các doanh nghiệp trong một thời gian nhất định. Trong quá trình áp dụng chúng ta cần phải thay đổi và chỉnh sửa rất là nhiều cho nó phù hợp”.

Xây dựng hệ sinh thái số bằng cách nào?

Như vậy, chúng ta cần một không gian mở, dám thử nhưng cũng cần những bước tuần tự để lớn lên và phát triển một hệ sinh thái đầy đủ của doanh nghiệp số. Cũng có rất nhiều ý kiến để cả 2 phía doanh nghiệp và nhà nước cùng chung sức cho mục tiêu chung.

Ông Nguyễn Quang Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết: “Hiện tại, đối với doanh nghiệp, vấn đề mấu chốt nhất chính là việc chọn lựa một phân khúc thị trường như thế nào để xây dựng hệ sinh thái số. Những mảng cần nhiều đến hiểu biết của thị trường Việt Nam, cần kiến thức về bản địa nhiều hơn, ví dụ như mảng về: nội dung số, y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục, du lịch, nông nghiệp… Đây sẽ là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa để phát triển và tạo dựng thị trường riêng của mình”.

Đến năm 2025, doanh nghiệp số đóng góp 10% tăng trưởng GDP, 2030 là 20% GDP. Điều này cho thấy sự kỳ vọng rất lớn vào động lực doanh nghiệp số cho tương lai. Thế nhưng, theo thông tin từ Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, hiện đã triển khai 96 nhiệm vụ thuộc 07 Chương trình, Đề án trên, chủ yếu là các lĩnh vực như nông nghiệp, y học, sinh học, trong đó, chỉ có 03 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực ICT đã triển khai. Mục tiêu thì rất lớn mà việc thì quá nhiều. Xây dựng và đưa ra một chiến lược là bước đầu tiên rất quan trọng để định hướng thực hiện những công việc còn quá nhiều này nhưng chiến lược xây quá cao thì khó đến, quá thấp thì mất cơ hội vươn lên.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 3/9 với khách mời là ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT và bà Lê Diệp Kiều Trang, người sáng lập quỹ đầu tư Alabaster, sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này.

Theo VTV


Lượt xem: 20

Trả lời