Bộ trưởng Xây dựng: Tránh phát triển thị trường bất động sản quá nóng

Cập nhật 16/1/2016, 06:01:37

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản đang ấm lên, không được chủ quan, không để phát triển quá nóng.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản hiện nay chưa đủ các yếu tố để hình thành bong bóng nhưng không được chủ quan, không để thị trường bất động sản phát triển quá nóng.

Thị trường phục hồi tích cực

Nhìn lại năm vừa qua, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, đã đạt được kết quả quan trọng, vừa giúp cho thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực, vừa giúp hàng trăm ngàn người nghèo, người thu nhập thấp sớm được cải thiện chỗ ở.

bo truong xay dung: tranh phat trien thi truong bat dong san qua nong hinh 0
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Chứng minh cho đánh giá này, Bộ trưởng dẫn các yếu tố: giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý, hướng tới người thu nhập trung bình và thấp; tồn kho bất động sản liên tục giảm.

Trong đó, lượng giao dịch thành công liên tục tăng chủ yếu tại phân khúc căn hộ có diện tích vừa và nhỏ, các dự án đã hoàn thành, dự án tại khu vực có đầy đủ các công trình hạ tầng và các dự án đang thi công với tiến độ tốt, bên cạnh đó cũng đã có nhiều giao dịch thành công tại phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.

Cụ thể, năm 2015, tại Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2014; tại TPHCM có khoảng 18.700 giao dịch thành công (tăng 1,8 lần so với cùng kỳ 2014).

Về giá nhà ở trong năm 2015, nhìn chung ổn định, một số dự án tại khu vực có hạ tầng đầy đủ, triển khai đúng tiến độ giá chào bán tăng nhẹ từ 2-5% so với cùng kỳ năm 2014.

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Biểu hiện là tính đến 20/12/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 50.889 tỷ đồng (so với quý I/2013 giảm 77.659  tỷ đồng tương đương giảm 60,4%); so với tháng 12/2014 giảm 54.100 tỷ đồng, giảm 42,3%).

Còn cơ cấu hàng hóa bất động sản, theo Bộ trưởng, đã được điều chỉnh hợp lý. Trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ; có 94 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 42.000 căn hộ xin điều chỉnh thành 56.500 căn hộ (tăng 14.500 căn hộ);

Kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng tích cực với tốc độ giải ngân tăng mạnh. Tính đến hết năm 2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay đạt 90%, đã giải ngân đạt 59%.

Có địa phương còn chưa chú trọng phát triển nhà ở xã hội

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, “thực tế qua 3 năm triển khai đã khẳng định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là hoàn toàn đúng đắn; vừa giúp cho thị trường hồi phục tích cực, vừa đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở”.

Kết quả rất quan trọng trong việc cấu trúc lại thị trường bất động sản, theo Bộ trường, là đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội quy mô lớn, với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ giành cho người nghèo, người thu nhập thấp đô thị, đã khẳng định một hướng đi mới trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu XHCN, hướng tới con người, vì con người, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng trăn trở: “Một số địa phương chưa thực sự chú trọng, quan tâm phát triển nhà ở xã hội; nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do lợi nhuận thấp; một số chủ đầu tư chung cư chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về quản lý sử dụng chung cư theo quy định hiện hành”.

 

Từ thực tế này, năm 2016, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Trong đó, triển khai thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản và văn bản hướng dẫn; tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, đảm bảo để thị trường phát triển ổn định, bền vững; Tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh hợp lý cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản; xây dựng hệ thống thông tin thị trường./.

Theo VOV


Lượt xem: 21

Trả lời