Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tạo cơ chế thương mại bình đẳng

Cập nhật 02/5/2017, 20:05:38

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là thúc đẩy hoạt động sáng tạo, tạo cơ chế thương mại bình đẳng trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh…

Bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bảo đảm sự công bằng, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, mà còn tạo cơ chế thương mại bình đẳng trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Văn Toàn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.

bao ve quyen so huu tri tue de tao co che thuong mai binh dang hinh 1
Ông Phạm Văn Toàn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

PV: Thưa ông, những mặt hàng nào hiện nay trên thị trường bị làm giả nhiều nhất?

Ông Phạm Văn Toàn: Trong từng nhóm sản phẩm hàng hóa khác nhau, đều có những sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Theo tổng kết của cơ quan chức năng, thì lĩnh vực tiêu dùng như mỹ phẩm, đồ dùng thời trang, dược phẩm, bánh kẹo… bị làm giả và nhái nhiều nhất.

Những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ liên quan đến tiêu dùng cũng được Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ thụ lý giải quyết chiếm số lượng lớn. Thủ đoạn làm giả xuất hiện ở quá trình thực hiện hành vi là sản phẩm do đối tượng vi phạm tự sản xuất ra hoặc nhập khẩu về để kinh doanh.

PV: Vậy, các chủ thể quyền cần làm gì khi bị vi phạm sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi, thưa ông?

 Ông Phạm Văn Toàn: Phải nói hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đồng thời cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất quan ngại khi hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, việc xử lý hàng giả về sở hữu trí tuệ là thực hiện theo yêu cầu của chủ thể quyền. Cho nên, chỉ khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền, chúng tôi mới tiến hành điều tra, xác minh và xử phạt theo quy định. Bởi lẽ, quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự.

Để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, các chủ thể quyền phải có đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra. Điều này đòi hỏi chủ thể quyền phải có ý thức rất rõ trong sở hữu trí tuệ thì cơ quan chức năng mới xử lý hành vi vi phạm.

Trong nhiều năm qua, chúng tôi xác định xử lý hàng giả, hàng nhái là một trong những hoạt động chủ đạo trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ trong lĩnh vực hàng hóa thương hiệu quốc tế mà cả hàng hóa Việt Nam. Đến nay, các hàng hóa vi phạm mà chủ thể quyền có đơn đến cơ quan chức năng đều được xử lý một cách đầy đủ và có kết quả.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV


Lượt xem: 21

Trả lời