Chủ động đưa ra những biện pháp ứng phó cần thiết và phù hợp với những biến động khu vực và thế giới. Đây là động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 5.8% trong năm nay. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong buổi họp báo Cập nhật Triển vọng kinh tế Việt Nam diễn ra sáng nay 27/9, tại Hà Nội.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay bất ngờ chững lại so với đà tăng trưởng tích cực của năm ngoái. Dự báo tăng trưởng 2023 được điều chỉnh ở mức 5,8% và dự báo đạt 6% vào năm 2024.
Lý giải về nguyên nhân này, ngân hàng châu Á ADB cho rằng, tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng là tình hình chung của cả khu vực và thế giới, do chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước phát triển, bất ổn chính trị ở nhiều khu vực,… GDP của Việt Nam vẫn tăng do chỉ số về dịch vụ và các hoạt động liên quan đến dịch vụ vẫn trên đà tăng. Trước những thách thức này, ADB nhận định, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ứng phó bằng các biện pháp cần thiết, phù hợp, với chính sách tài chính tiền tệ, điều chỉnh giảm lãi suất hợp lý.
“Tăng trưởng kinh tế có khả năng phục hồi trong bối cảnh nhiều thách thức. Do đó, triển vọng tương đối lạc quan. Kinh tế vẫn phát triển trong quãng 5,8-6%. Nhưng cần thận trọng trước những rủi ro hiện hữu. Các yếu tố nội tại và chính sách chủ động sẽ là nền tảng cơ bản để tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tốc độ thực hiện đầu tư công của chính phủ sẽ ảnh hưởng tương đối nhiều. Đầu tư công sẽ tạo hoạt động kinh tế sôi động, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng tốt hơn cho phát triển trung và dài hạn”, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết.
Báo cáo chỉ ra một số rủi ro chính mà kinh tế Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt, bao gồm những yếu tố bất lợi bên ngoài, môi trường kinh doanh trong nước còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, cùng một số thách thức khác như vấn đề về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang xuất hiện nhiều “cơn gió ngược”, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được tăng trưởng kinh tế tốt và có thể phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ những chính sách đúng đắn. Ông Chakraborty cũng cho rằng, trong thời gian tới, các động lực chính để phát triển kinh tế sẽ phụ thuộc vào chính sách kiểm soát lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện các hoạt động thương mại và tăng cường năng lực cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI.
“Chúng tôi có thể thấy những động lực chính nằm ở một số ngành như sau: Thứ 1 là du lịch và các dịch vụ liên quan đến du lịch đang có sự phát triển mạnh mẽ trở lại, đóng góp đáng kể cho sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ. Thứ 2, nông nghiệp vẫn giữ được mức giá cao và ổn định thị trường trong nước. Ngoài ra, đầu tư công cũng có sự khởi sắc, tác động tốt tới ngành xây dựng, khai mỏ,… Đây có thể là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm”, ông Shantanu Chakraborty nhận định.
Lượt xem: 1