3 ưu tiên trong đột phá chiến lược thể chế phát triển năng lượng

Cập nhật 11/2/2024, 08:02:09

Năng lượng là yếu tố thông thể thiếu của sản xuất và sự sống. Thể chế phát triển năng lượng cần đột phá chiến lược để phát huy hiệu quả năng lượng trong quá trình phát triển thành quốc gia thu nhập trung bình cao, công nghiệp hiện đại 2030, Đột phá này cần đáp ứng đồng thời 3 yêu cầu hàng đầu có mối quan hệ qua lại.

Ổn định giá 

Giá năng lượng ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tình hình lạm phát. Nếu giá năng lượng, trực tiếp là giá xăng dầu, khí đốt, điện tăng, chi phí sản xuất và sinh hoạt từng người dân, hộ gia đình tăng làm tăng giá bán, giảm khả năng tiêu thụ, gây trì trệ thậm chí đình đốn sản xuất.

Năm 2022, do xung đột Nga – Ukraine, nguồn cung năng lượng chủ yếu gồm dầu mỏ, khí đốt từ Nga bị đứt gãy, giá dầu thế giới tăng lên đáng kể lên mức khoảng 130 USD/thùng, gây lạm phát lan rộng các nước châu Âu.

Thể chế toàn cầu điều tiết giá dầu thông qua điều tiết lượng dự trữ, tăng giảm nguồn cung thường do các quốc gia có lượng dự trữ lớn và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định. Thể chế này còn chịu tác động của các biện pháp trừng phạt, cấm vận, áp đặt mức giá trần. Nghĩa là, năng lượng là yếu tố đầu vào dễ bị tổn thương và là mặt hành chiến lược.

Từ ngày 5/2/2023, để kiềm chế Nga trong xung đột Nga – Ukraine, Liên minh châu Âu đã áp giá trần 100 USD/thùng dầu Diesel và 45 USD/thùng các sản phẩm dầu mỏ khác. Đây cũng thể hiện việc khai thác vai trò thể chế để khống chế hoặc kiểm soát giá, cần có sự phối hợp đồng bộ các lực lượng liên quan.

Những biến động giá dầu có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi giá dầu và các mặt hàng khác, làm tăng thêm tình trạng bất ổn định kinh tế. Điều này đòi hỏi hoàn thiện thể chế phát triển năng lượng để ổn định giá và thể chế này cần mình bạch hóa, chịu giám sát, kiểm soát của các đối tượng hữu quan.

Việt Nam nhập khẩu một khối lượng đáng kể dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Khi giá dầu trên thị trường thế giới tăng đột ngột, giá dầu trong nước tăng theo, làm tăng cước phí vận tải, các loại chi phí và gây lạm phát phí đẩy. Tình hình này bắt buộc sử dụng đến vai trò điều tiết của thể chế thông qua quỹ bình ổn giá xăng dầu và các biện pháp bỏ thuể nhập khẩu, thuế môi trường và các loại phí để ổn định giá.

Các biện pháp bình ổn giá để tăng hiệu lực và bảo đảm hiệu năng cao đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế phát triển năng lượng.

Việt Nam đã có nhiều quy định về điều tiết giá xăng dầu như Nghị định 84/NĐ-CP (2009), Nghị định 83/NĐ-CP (2024) và Nghị định 95/NĐ-CP (2021) và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế trong quá trình hoàn thiện thể chế để ổn định triệt để giá xăng dầu. Đây là nền tảng để hình thành tư duy ổn định giá năng lượng.

Do đó, hoàn thiện thể chế phát triển năng lượng cần đóng vai trò đột phá chiến lược để khắc phục triệt để tình trạng tăng giá đột ngột, gây bất ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thu nhập thực tế, gây thiệt hại lớn toàn bộ nền kinh tế. Đây là một trong 3 đột phá chiến lược nhằm cải thiện cơ bản vị thế chiến lược của Việt Nam

Thể chế này hoàn thiện theo hướng tăng tính chủ động, đón đầu, phòng ngừa tính trạng bất ổn từ sớm, từ xa và minh bạch và ưu tiên hàng đầu là ổn định giá năng lượng.

Điều chỉnh cơ cấu

Điều chỉnh cơ cấu năng lượng vừa là xu hướng phổ biến, vừa thể hiện tính quy luật phát triển năng lượng, thể hiện giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy năng, sinh khối…), phát huy vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đây là mối quan hệ đặc biệt, vừa có tính chất thay thế giữa năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo, vừa có tính chất bổ sung khi năng lượng tái tạo chưa thể thay thế hoàn toàn năng lượng hóa thạch trong cơ cấu năng lượng.

Hầu hết các nước đều quan tâm điều chỉnh cơ cấu năng lượng mặc dù mức độ điều chỉnh khác nhau tùy năng lực đầu tư và khả năng huy động nguồn lực, cách thức tổ chức thực hiện. Các quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu và các nước thuộc nhóm Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đạt những tiến bộ đáng kể trong điều chỉnh cơ cấu năng lượng.

Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng so cấp 10-15% đến năm 2030 và 25-30% năm 2045. Đây là mục tiêu quan trọng được khẳng định trong Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/2/2020.

Những tiêu chuẩn chặt chẽ về phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo cam kết COP 26 đòi hỏi điều chỉnh quyết liệt cơ cấu năng lượng hiện tại.

Theo đó, thể chế phát triển năng lượng cần khuyến khích và tạo điều kiện để gia tăng đâu tư phát triển năng lượng tái tạo đi đôi với việc giảm dần năng lượng hóa thạch, cân bằng năng lượng và từng bước tuân thủ lộ trình giảm phát thải ròng theo mục tiêu đặt ra.

Chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng cần thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

Tất cả các loại công trình hoặc thực thể sử dụng năng lượng nhất là những công trình quy mô lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng cần có phương án sử dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu chi phí thay thế, điều chỉnh năng lượng truyền thống bằng năng lượng tái tạo trong tương lai.

Coi trọng đầu tư đổi mới sáng tạo trước hết là phát triển mạnh các tiến bộ công nghệ phát triển năng lượng tái tạo để tạo ra làn sóng khai thác, sử dụng và phát triển các công nghệ này có sực lan toả đến mọi lĩnh vực.

Phát huy hiệu quả

Hiện tại, Việt Nam có Luật sử dụng tiết kiệm điện và nhiều chính sách, quy định khác liên quan đến phát triển năng lượng gắn với tiết kiệm năng lượng.

Các nước trình độ tiêu dùng càng cao, mức độ tiết kiệm năng lượng càng lớn và hình thằng thói quen, thậm chí văn hóa sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.

Các loại thiết bị sử dụng tiết kiệm điện, các loại công cụ, mô hình tổ chức, công trình tiết kiệm năng lượng tốt đa được phát triển không ngừng và dường như không có giới hạn.

Hiệu quả sử dụng năng lượng cần được phát huy dựa trên cơ sở tối thiểu hóa chi phí sử dụng năng lượng và tối đa hóa tác động tích cực. Trong ngắn hạn, đầu tư điều chỉnh cơ cấu có thể gây tốn kém chi phí song xét dài hạn, lợi ích thu được sẽ rất lớn.

Phát huy hiệu quả sử dụng năng lượng góp phần ổn định giá cũng như thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu. Ở chiều ngược lại, chuyển đổi cơ cấu hợp lý, đúng hướng góp phần ổn định giá và phát huy hiệu quả.

Do năng lượng có đặc tính cơ bản chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, cho nên cần có phương thức khai thác, sử dụng triệt để năng lượng dưới mọi hình thức bảo toàn và chuyển hóa của nó.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng xanh và các mô hình kinh doanh khác góp phần thực hiện mục tiêu này. Quá trình hoạch định chiến lược, quy hoạch, chính sách, công cụ, biện pháp đều cần đến sự tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm thiểu thậm chí triệt tiêu hoàn toàn lãng phi năng lượng bằng giải pháp đột phá. Coi trọng đầu tư cải tiến liên tục, đổi mới sáng tạo để phát triển các loại công nghệ mới, thiết bị hiện đại sử dụng hiệu quả năng lượng với cách tiếp cận mới trong mọi lĩnh vực. Tích cực, chủ đông học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn tốt về phát huy hiệu quả năng lượng để áp dụng. Tôn vinh thỏa đáng các loại sáng kiến, mô hình được các tổ chức, các nhân phát triển về phát huy hiệu quả năng lượng cũng như xây dựng văn hóa phát huy hiệu quả năng lượng.

Với những yêu cầu ưu tiên cần đáp ứng triệt để trên đây trong đột phá thể chế phát triển năng lượng, cùng với tính đặc thù cao của lĩnh vực, có lẽ nên xây dựng đạo luật độc lập về năng lượng (Luật Năng lượng) để phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới.

 VOV.

Lượt xem: 2

Trả lời