Những tân sinh viên nghị lực của Đại học Bách khoa

Cập nhật 25/10/2015, 06:10:42

Để vào đại học, hàng ngày Chuẩn ăn cơm nắm, muối vừng, đạp xe hơn 20 km đi học; Hùng tranh thủ đan giỏ tre giúp mẹ bán kiếm tiền; còn Thanh đang chơi vơi trước khó khăn không người tiếp sức.

Nghị lực, học giỏi, đỗ trường đại học top đầu nhưng khó khăn đang cản bước chân đến trường của nhiều tân sinh viên.

Cơm nắm, muối vừng nuôi giấc mơ đại học

Kiều Văn Chuẩn đỗ ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội với 27,75 điểm. Trọ cùng chị gái ở Mỹ Đình, hàng ngày Chuẩn đạp xe cả chục km đi học.

nhung-tan-sinh-vien-nghi-luc-cua-dai-hoc-bach-khoa

Chàng trai "cơm nắm, muối vừng" Kiều Văn Chuẩn đậu đại học với số điểm 27,75. Ảnh: Phương Hòa.

Hồi học phổ thông, Chuẩn thường dậy sớm hơn bạn bè hai giờ, ăn cơm với muối vừng rồi đạp xe đến trường. Nhiều hôm trời mưa, đường lầy lội phải dắt xe đi bộ vài cây số. Đến trường thì quần áo cậu cũng lấm lem bùn đất khiến bạn bè trêu chọc "Mày đi cày về rồi đi học đấy à?". Chuẩn chỉ cười, quyết không nghỉ buổi học nào.

Quê ở xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai, Hà Nội) nhưng gần 18 năm nay, cả gia đình 4 người đều sống trong mái nhà tranh trong khu kinh tế mới ở Thạch Thất để làm ruộng. Căn nhà mái bằng ở xã Tuyết Nghĩa chưa trát, vẫn để trơ khung gạch suốt bao năm.

Cách đây 5 năm, bố Chuẩn bị tai nạn xe máy, gia đình phải bán hết mọi thứ để lo phẫu thuật. Để hai chị em được đi học, bố mẹ vay vốn ngân hàng. Chị gái là sinh viên năm cuối, học cùng lúc 2 trường của Đại học quốc gia Hà Nội nên khá tốn kém. "Em rất muốn đi làm thêm để đỡ đần cho chị và bố mẹ. Em luôn tự hỏi, trước đây mình có thể mang cơm nắm, muối vừng đến trường đi học, giờ phải làm sao với bao nhiêu chi phí? Em dần thấm thía được thế nào là nỗi đau trong hạnh phúc khi gánh nặng vật chất dần đè nặng lên ước mơ", chàng trai 18 tuổi tâm sự.

Học để tri ân cuộc đời

nhung-tan-sinh-vien-nghi-luc-cua-dai-hoc-bach-khoa-1

Đặng Mạnh Hùng "Vào đại học nhờ tình thương của mẹ và thầy cô, bạn bè". Ảnh: Phương Hòa.

Đằng sau vẻ thư sinh, nụ cười bẽn lẽn của Đặng Mạnh Hùng (quê Mỹ Lộc, Nam Định) là nỗ lực vượt bao khó khăn để đến trường. Bố mất sớm vì bệnh ung thư, mẹ ở vậy nuôi anh em Hùng đi học. Cậu học trò thi đậu hai trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Bách khoa. Hùng chọn Bách khoa vì yêu thích công nghệ thông tin.

"Nhà nghèo, hai anh em luôn sống trong nỗi lo lắng ngày mai không được đi học nữa", Hùng tâm sự. Em đến trường nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và sự động viên của mẹ. Buổi đi học, buổi cậu ở nhà giúp mẹ đan giỏ tre để bán kiếm tiền. 

Bước chân ra Hà Nội, em ở nhờ nhà cô chú một thời gian cho quen với cuộc sống mới ở Hà Nội. Hùng lạc quan nói rằng em sẽ đi làm thêm kiếm tiền bởi dù sao cũng là thanh niên 18 tuổi rồi. "Dù biết rằng tốt nghiệp đại học giờ tìm việc cũng không dễ dàng gì nhưng còn một quãng thời gian hơn 4 năm để phấn đấu. Em chỉ muốn nói cảm ơn cuộc đời vì vẫn còn có mẹ", Hùng nói.

Hai lần mồ côi

Mồ côi tội lắm ai ơi/ Đói cơm khát nước biết người nào lo… Nguyễn Thị Thanh, cô sinh viên chuyên ngành Thực phẩm hóa học, quê Hải Dương kể về cuộc đời mình bằng hai câu thơ buồn như thế. Thanh sinh ra không biết mặt bố mẹ đẻ. Bố mẹ nuôi mang cô bé con một ngày tuổi về chăm sóc, thương như con gái ruột. Nhà bố mẹ nuôi cũng nghèo, lấy nhau hơn 10 năm mà chưa có con.

Năm 2007, mẹ nuôi Thanh mắc bệnh ung thư gan, phải bán hết tài sản trong nhà để chữa trị nhưng vẫn không qua khỏi. Sau khi mẹ nuôi mất, bố nuôi cũng bỏ đi, em một lần nữa trở thành đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Thanh về ở với dì, em gái của mẹ nuôi.

"Dì khó khăn lắm, bị bệnh xương khớp vẫn phải nuôi hai em ăn học. Em cũng không biết những ngày sắp tới phải làm thế nào với số tiền học và sinh hoạt phí khổng lồ. Em không biết mình còn cố gắng được bao lâu nữa", Thanh lo lắng.

Theo Tin nhanh Việt nam


Lượt xem: 30

Trả lời