Vào Nam ra Bắc vẽ các anh hùng

Cập nhật 22/12/2014, 13:12:09

Bà đang hoàn thiện dần bức tranh sơn dầu vẽ chân dung người bị CIA cưa chân sáu lần, 14 lần nhận danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”

 
Họa sĩ Đặng Ái Việt ký họa chân dung AHLLVTND Lê Văn Hai (Hai Cư) – Ảnh nhân vật cung cấp 
 

Bà dẫn tôi lên trên tầng thượng vào một sáng đầu tháng 12-2014. Căn phòng nhỏ ngập nắng và đầy tranh. Bà đang hoàn thiện dần bức tranh sơn dầu vẽ chân dung người bị CIA cưa chân sáu lần, 14 lần nhận danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Văn Thương.

Đây là bức tranh sơn dầu đầu tiên trong loạt tranh vẽ chân dung đồng đội của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt – người nổi tiếng vì đi khắp nước chỉ bằng chiếc xe Chaly để vẽ tất cả mẹ VN anh hùng, nay tiếp tục vẽ chân dung các AHLLVTND và anh hùng lao động.

Ông Thương được phong danh hiệu AHLLVTND năm 1978. Trên nền vải bố, những mảng màu được chăm chút thật kỹ. Gương mặt người thiếu tá tình báo thật hiền lành, dung dị và đôn hậu. Chẳng ai có thể nghĩ con người ấy lại chứa đựng một trái tim thép, một tinh thần thép đến thế.

Tìm vẽ những người được lịch sử chọn lọc

Không thể kể hết những nơi nữ họa sĩ 67 tuổi đã rong ruổi miệt mài chạy xe qua: Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ…

Đồng hồ kilômet trên xe đã hơn 33.000km. Trung bình mỗi ngày nữ họa sĩ di chuyển từ 200-300km. Có ngày đi xa nhất tới hơn 400km (từ Nha Trang về TP.HCM). Hỏi nữ họa sĩ lỡ xe bị xẹp lốp, xì hơi… giữa đường thì sao, bà cười rổn rảng: “Tui mang theo đồ bơm xe, đồ tháo, tự sửa. Lủng bánh xe, hư bugi… tự tui “xử” được hết”.

Không dễ dàng như khi thực hiện dự án vẽ chân dung mẹ VN anh hùng, khi bắt tay làm dự án này, họa sĩ Đặng Ái Việt phải viết tờ trình gửi ra Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu. Từ quân khu gửi công văn về các tỉnh đội, rồi về huyện đội, xã đội.

“Đó là quá trình rất lâu” – họa sĩ nói. Bà cho biết thêm: “Thật ra sau khi sơ kết vẽ mẹ VN anh hùng, đến tháng 6-2013 tôi đã tranh thủ vẽ thêm chân dung AHLLVTND trong lúc vẽ các mẹ”.

Người AHLLVTND đầu tiên mà bà đến gặp là ông Hồng Phú Ngữ, đại úy đại đội trợ chiến tiểu đoàn 307 – đội trưởng đội săn tàu chiến Pháp bằng lựu đạn tự chế, người bắn chìm bốn tàu chiến của Pháp. Người cựu binh 89 tuổi ấy có 65 năm tuổi Đảng, được phong tặng danh hiệu AHLLVTND năm 2010.

“Ổng giờ yếu lắm. Nhà ổng đơn sơ lọt trong con hẻm nhỏ ở phường Bến Nghé (Q.1), phòng khách cũng nhỏ xíu nhưng vẫn dành chỗ rất trang trọng treo ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các huân chương, huy chương Nhà nước trao tặng” – họa sĩ kể.

Giọng bà vẫn rổn rảng: “Người trẻ nhất gần 60 tuổi, người lớn nhất đã 90 tuổi. Có người còn rất minh mẫn. Có người đã yếu, lảng tai. Gặp mấy ổng vui lắm. Mình chưa vẽ xong con cháu đã bưng đồ nhậu lên rồi. Đến nhà nào cũng bắt ở lại ăn cơm, nhậu tưng bừng. Tui ký họa trực tiếp trên giấy tặng ngay tại chỗ. Rồi chụp lại hình, canh lúc người ta xuất thần chụp nhiều góc độ, thậm chí cả quay phim để về xem lại, lấy lại cảm xúc rồi mới vẽ. Vẽ bà mẹ VN anh hùng coi vậy mà dễ vì chỉ ký họa trên giấy. Còn dự án này vẽ tranh sơn dầu khổ lớn, tốn kém lắm. Tui trích lương tháng mua vật dụng, làm dần”. 

Bà đã gặp và vẽ ký họa, chụp ảnh 210 vị anh hùng của Quân khu 7 và Quân khu 9. Nhiều người sống ở rừng núi rất khó khăn, nhà do đồng đội cất. Có những anh hùng giờ ở nhà mái tôn, mưa dột.

“Có những người tôi vừa vẽ vừa khóc. Họ vĩ đại quá. Họ kể chuyện, nhớ về một thời tuổi trẻ rất đẹp của mình, đầy tự hào; nói về những hi sinh của mình, những nhiệm vụ sinh tử của mình… nhẹ như không. Có người kể lại chuyện ngày xưa thì khóc vì thương nhớ những đồng đội mình không thể trở về” – họa sĩ Đặng Ái Việt kể.

Đỉnh điểm khí chất dân tộc

Nữ họa sĩ tâm sự: “Tôi đeo đuổi dự án này và quyết tâm thực hiện cho bằng được, vẽ hết tất cả AHLLVTND, anh hùng lao động thời chiến còn sống, không để sót một ai, không lựa chọn người nào, bỏ người nào. Vì họ là đỉnh điểm về khí chất anh hùng của dân tộc VN. Họ là tinh hoa của một dân tộc anh hùng.

Ông Lê Văn Hai (Hai Cư) giờ đang ở Tri Tôn (An Giang), người 128 ngày đêm giữ ngọn đồi Tức Dụp, nói: “Nếu tiếc mạng mình thì không diệt được địch”. Tổ quốc phải có những con người anh hùng như họ mới có được vinh quang, độc lập, thống nhất. Họ là những con người dành cả trái tim cho Tổ quốc. Đến giờ dù đất nước trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió tôi thấy họ vẫn không nao núng, thất vọng. Họ bảo xã hội có lúc này lúc kia nhưng Tổ quốc chỉ có một”.

Rồi thoáng chút trầm ngâm, họa sĩ Đặng Ái Việt nói: “Tôi may mắn vì được gặp những con người mà lịch sử đã chọn lọc. Chính họ lại hun đúc cho tôi ngọn lửa và quyết tâm phải hoàn thành cho được dự án này”.

Bản thân nữ họa sĩ đặc biệt này cũng từng là một người lính. 15 tuổi đi theo cách mạng, bà là thành viên nữ duy nhất trong số 67 người của lớp hội họa Giải phóng đầu tiên do họa sĩ Huỳnh Phương Đông đứng lớp. Sau đó, khi về Tây Ninh, Đặng Ái Việt tham gia đội du kích với cái tên Út Trầm và cùng đồng đội đạt danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”.

Những ngày này, bà tạm dừng không đi thực tế nữa. Và trên căn phòng đầy ánh sáng trời, nữ họa sĩ miệt mài với những chân dung đồng đội, các anh hùng của lịch sử…

theo Tuổi Trẻ Online


Lượt xem: 78

Trả lời