Hiệu quả từ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho học sinh vùng khó ở tỉnh Gia Lai

Cập nhật 31/8/2013, 16:08:37

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Gia Lai hiện có 61 xã và 309 thôn, làng đặc biệt khó khăn với gần 44% học sinh là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhiều chế độ chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước dành cho học sinh vùng khó, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số đã góp phần giúp nhiều học sinh vơi bớt khó khăn trong học tập, sinh hoạt, đồng thời giúp các trường  vùng sâu, vùng xa thêm thuận lợi trong việc duy trì sỉ số. Một trong những thông tin đáng mừng nữa là trong năm học mới 2013-2014, một số chính sách mới không chỉ dành cho học sinh mà cả giáo viên vùng đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành như tiếp thêm khí thế mới cho công tác giáo dục của địa phương.

Là trường nằm ở xã đặc biệt khó khăn, trường THCS Ngô Quyền huyện ChưPrông có trên 280 học sinh ở các khối lớp, trong đó hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu và nhiều học sinh là con em các gia đình nghèo. Những năm qua, một số lượng lớn học sinh của nhà trường được thụ hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước, trong đó phải kể các chính sách hỗ trợ theo nghị định 49 của Chính phủ được áp dụng từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Theo đó mức hỗ trợ là 70.000 đồng/học sinh/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa là 9 tháng trong một năm học. Có thể nói, chính sách hỗ trợ này không chỉ có nhiều ý nghĩa đối với học trò, mà còn cả đối với trường vùng khó.

Em Dương Thị Hường-Lớp 8 trường THCS Ngô Quyền, huyện Chư Prông tâm sự:“Em được hỗ trợ 70.000 đồng. Trong năm học qua số tiền này em dùng để mua sách vở, bút. Giờ có tiền hỗ trợ đó em đỡ phải xin tiền bố mẹ để mua đồ dùng học tập như trước”.

Qua trao đổi, Thầy giáo Đinh Văn Phương-Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền, huyện Chư Prông cho biết:Số tiền hỗ trợ chi phí học tập đã góp phần giúp nhà trường rất nhiều trong việc duy trì sỉ số học sinh, tạo động lực giúp các em đến lớp thường xuyên. Đặc biệt trường có số học sinh dân tộc và phần lớn là con em con hộ nghèo nên tiền hỗ trợ đã giúp các gia đình vơi bớt khó khăn. Ngoài ra nhà trường cũng tạo điều kiện cho các em học sinh dân tộc mượn mỗi em một bộ sách để học tập”.

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ theo nghị định 49 của Chính phủ và một số chương trình, chính sách hỗ trợ khác có nhiều ý nghĩa đối với các đơn vị trường học trên địa bàn huyện biên giới Chư Prông nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung và đặc biệt là càng ý nghĩa hơn đối những phụ huynh học sinh, trường học nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chính sự hỗ trợ này không chỉ giúp học sinh vơi bớt những khó khăn thiếu thốn trong học tập, sinh hoạt, mà còn có thêm động lực để đến lớp đến trường mỗi ngày. Trò chuyện với Cô giáo Hoàng Thị Anh Lê-Hiệu trưởng trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, huyện Chư Prông tâm sự: “Nhờ có sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Đảng, nhà nước dành cho học sinh, trong đó có việc hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nên việc duy trì sỉ số của nhà trường đạt 100%. Ngoài ra nhà trường cũng có một số em học sinh nhà cách xa trường trên 4km được hỗ trợ gạo nữa, cùng với chi phí học tập. Tôi cũng mong là số tiền hỗ trợ này cần được hỗ trợ kịp thời ngay từ đầu năm học, vì hiện nay việc hỗ trợ được chia làm 2 đợt, cuối học kỳ. Do vậy nên hỗ trợ ngay từ đầu năm học để các em, gia đình mua sắm đồ dùng học tập và có thêm khí thế phấn khởi”.)

Năm học 2012-2013, tỉ lệ học sinh bỏ học ở các bậc học từ tiểu học đến THPT của tỉnh Gia Lai đã giảm 0,32% so với năm học trước. Kết quả đáng mừng này có sự đóng góp không nhỏ từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước dành cho học sinh vùng khó. Đặc biệt trong năm học mới này, để các học sinh nằm trong diện hỗ trợ được thụ hưởng kịp thời các chế độ chính sách theo nghị định 49 trước đây và hiện nay là nghị định 74, Sở GD&ĐT Gia Lai đã linh động phối hợp với ngành chức năng tạm ứng trước nguồn kinh phí để kịp thời cung cấp sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh trước ngày khai giảng năm học mới ngày 5/9. Nhiều thông tin vui nữa là trong năm học 2013-2014 nhiều giáo viên, học sinh vùng khó được hưởng các chính sách mới. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/9/2013, học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được nhận hỗ trợ 15kg gạo/ học sinh/ tháng với thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học theo Quyết định số 36 của TTCP. Ngoài ra, học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở trong quá trình học tập. Theo đó, mức hỗ trợ tiền ăn/tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Với các em học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Thêm nữa đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, Nghị định số 19 ra đời là nguồn động viên to lớn đối với những nhà giáo. Nghị định này không chỉ giúp họ thêm gắn bó với công việc mà còn mang lại một sức sống mới cho giáo dục vùng khó. Với những chế độ chính sách hỗ trợ dành cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, hy vọng rằng con đường đến trường của những học trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung sẽ bớt đi những nhọc nhằn, âu lo, góp phần giúp các em có thêm điều kiện khám phá tri thức trên con đường học vấn./.

 

Thiên Thanh-Bích Thủy


Lượt xem: 68

Trả lời