30 ảnh Khoảnh khắc Cuộc sống vào chung kết Cuộc thi Ảnh VnExpress

Cập nhật 13/11/2014, 09:11:08

Từ 600 bức ảnh Khoảnh khắc Cuộc sống lọt vào sơ khảo, Ban tổ chức chọn ra 30 tác phẩm xuất sắc, có cơ hội đoạt các giải thưởng chung cuộc. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 26/11.

 
 

"Vượt lũ" – Nguyễn Thành Luy

“Tôi chụp bức ảnh này trong một lần đi sáng tác từ Hậu Giang qua tỉnh An Giang. Lúc đến gần chợ ngã bảy Phụng Hiệp, tôi bắt gặp hình ảnh một em bé bơi trong dòng nước lũ. Em di chuyển từ nhà này sang nhà bên kia. Trên đầu em có cái thau và chú chó. Tôi thực sự xúc động khi thấy hình ảnh quá đẹp và nhân văn đó. Tôi dừng xe và đứng lại chụp. Hình ảnh tuy rất đơn sơ nhưng thực sự gây xúc động mạnh cho tôi khi bấm máy. Khi tôi đưa tấm hình lênFacebook cá nhân, nhiều người nước ngoài đã lấy tấm ảnh này về và nói chú bé đó là công dân nước họ. Chính vì lý do đó, qua cuộc thi của báo VnExpress, tôi muốn chính thức giới thiệu đến mọi người một hình ảnh đẹp đến từ quê hương đất nước Việt Nam”, tác giả chia sẻ.

 
 

"Ngoạn mục" – Ngô Đình Hòa

Tác phẩm chụp một khoảnh khắc trong cuộc thi lướt ván "PWA World Cup Muine – Vietnam 2011" diễn ra tại Mũi Né, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận từ ngày 25/2 đến 5/3/2011, do Hiệp hội lướt ván buồm quốc tế (Professional Windsurf Association, viết tắt là PWA) tổ chức. Cuộc thi thu hút hơn 100 vận động viên chuyên nghiệp thuộc hệ thống PWA đến từ 20 quốc gia trên thế giới tham dự. Vận động viên trong hình đang thi đấu ở nội dung Tự do (Freestyle), lướt ván từ ngoài khơi vào và trình diễn màn tung hứng trên cao.

 
 

"Điệu múa trên biển" – Đinh Quang Thọ

Tác giả thực hiện bức hình trong lần về Bạc Liêu tìm hiểu nghệ thuật đánh bắt cá đặc trưng của vùng biển này, thường được gọi là “đẩy xiệp”. “Buổi sáng sớm, những chàng trai lực lưỡng với vai trò là lao động chính trong gia đình tụ tập cùng nhau ra biển để đánh bắt tôm, cá, cua ghẹ ven mé nước biển. Họ mang theo những cái lưới được gắn với nhau qua hai thanh tre tạo thành công cụ giống một cái vợt lớn. Họ tụ tập thành nhóm gồm năm, bảy người cùng khai thác một điểm, sau đó lại di chuyển đến địa điểm khác khi mặt trời càng lên cao. Những tư thế họ đưa vợt xuống biển sau đó kéo lên và bỏ vào rọ đặt phía trước, cứ liên tục như một điệu múa, một vũ khúc trên biển”, tác giả chia sẻ.

 
 

"Chăm chú" – Vũ Hồng Tâm

“Trong không gian linh thiêng, tưng bừng, rộn ràng của lễ hội Kate tại tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, cụ già Chăm đang đắm chìm, hòa mình vào không gian lễ hội. Cụ chăm chú, tập trung quan sát diễn biến trước mắt và xung quanh. Những nghi lễ linh thiêng, những vũ điệu mê hồn của các nữ vũ công đang thăng hòa cùng điệu múa dâng lên thần linh”.

 
 

"Chân dung Mẹ" – Mai Lộc

Ảnh chụp tại một làng dân tộc Bana – làng Pleiphun, Pleiku, tỉnh Gia Lai – trong chuyến tham quan bản làng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Hình ảnh người mẹ với khuôn mặt thật phúc hậu và như đang mong đợi một điều gì đó đã gây ấn tượng với tác giả. “Vì thời gian quá vội, tôi không kịp hỏi tên mẹ. Và cũng từ dạo đó, tôi chưa có dịp trở lại thăm làng Pleiphun. Chỉ mong rằng nơi ấy mẹ vẫn sống vui khỏe cùng bản làng con cháu”, tác giả nói.

 
 

"Bay" – Lương Trung Kiên

“Sự khéo léo của người phụ nữ phương Đông và dải lụa mềm mại đã tạo ra một vòng cuốn từ dưới lên trên, mang đến cảm giác bay bay trong gió”.

 
 

"Hoa rừng" – Trần Văn Túy

Hình ảnh được chụp tại một huyện của tỉnh Đắk Nông. “Những cô gái dân tộc Mông đang trò chuyện sau buổi lao động, nụ cười hồn nhiên vẫn nở trên đôi môi như những cánh hoa rừng trong nắng sớm. Tôi đã ghi lại được khoảnh khắc đầy yêu thương ấy của cuộc sống”, tác giả chia sẻ.

 
 

"Đường hàn của những người thợ LILAMA" – Nguyễn Đăng Hồng

“Tôi chụp những người thợ xí nghiệp LILAMA 18-3 của Công ty CP LILAMA 18, thuộc Tổng công ty lắp máy Việt Nam tham gia chế tạo chân đế giàn khoan dầu khí, phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí trên biển. Chân đế giàn khoan gồm những ống thép tròn, dài và dày, rất nặng. Dưới trời nắng nóng, những người thợ miệt mài hàn, mài nối những ống thép với kỹ thuật đòi hỏi rất cao dưới sự giám sát chặt chẽ. Họ phải chống chọi với cái nóng và khói hàn rất độc hại. Đó là công việc nặng nhọc nhất mà tôi từng thấy. Họ rất đáng được tôn vinh”, tác giả nói.

 
 

"Nghề truyền thống" – Dương Hoàng Hạnh

Ảnh chụp tại gia đình anh Năm Mến, ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Cả gia đình sống bằng nghề làm trống cổ truyền.

 

 
 

"Hồng hạc tung cánh" – Nguyễn Ngọc Hải

Hình chụp nữ diễn viên xiếc tổng hợp trong buổi trình diễn tại sân khấu ca nhạc Thảo Cầm Viên, TP HCM, năm 2011.

 

 
 

"Quyết liệt" – Huỳnh Thu

Hình chụp tại lễ hội Đua bò ở Tà Miệt, Tri Tôn, An Giang năm 2013.

 

 
 

"Cào don trên sông Trà Khúc" – Nguyễn Văn Thương

“Quê hương tôi Quảng Ngãi, khúc ruột miền Trung chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt của khí hậu nhưng bao đời người dân vẫn cần cù, chịu thương chịu khó làm bất cứ điều gì, chỉ mong muốn cho thế hệ mai sau được tốt đẹp hơn. Hình ảnh cha mẹ đi cào don trên con sông Trà Khúc đã đi vào thơ ca, nhạc họa và nhiếp ảnh. Một hình ảnh đẹp về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, tình nghĩa thuỷ chung của vợ chồng dù cho cuộc sống thế nào vẫn mãi ở bên nhau, chung tay xây dựng hạnh phúc”, tác giả chia sẻ về tấm hình.

 
 

"Sếu nhập bầy" – Đoàn Văn Hồng

Hình ảnh chụp những con sếu đầu đỏ trên cánh đồng. “Sếu tượng trưng cho vẻ đẹp phong cảnh thiên nhiên, sếu còn là nguồn lôi cuốn khách du lịch trong và ngoài nước ở những nơi nó di trú”, tác giả chia sẻ.

 
 

"Chân đạo" – Phạm Thanh Châu

Nhà lớn Long Sơn còn gọi là đền Ông Trần nằm bên sườn phía đông Núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. “Trong một dịp được ghé thăm Nhà lớn Long Sơn vào ngày 21 tháng Chạp, tôi đã được chứng kiến một không gian văn hoá độc đáo vẫn còn được duy trì đến ngày nay. Cứ đến ngày này, các ông đồ ở Long Sơn lại mặc áo the đen, đầu đội khăn vấn vào Nhà lớn viết liễn. Trước khi ngồi vào chiếu trải giữa nhà hậu để mài mực tàu, rọc giấy đỏ, chắp bút lông, mọi người trang trọng xếp hàng lên điện thờ thắp nhang ‘kỉnh’ (cúng) Ông Nhà lớn. Trong gian chính điện, nhìn khoảnh khắc ông đồ đang ngồi suy tư đọc sách trên bộ ván kê sát vách điện trong tia nắng chiếu xuống qua khe hở của những viên ngói trên trần, hòa quyện với khói nhang thơm lập lờ cho tôi một cảm giác vừa thanh tao, vừa mang nét tâm linh thoát tục. Tôi choàng tỉnh vội đưa máy lên ghi lại khoảnh khắc, không gian đó”, tác giả kể.

 
 

"Lễ hội Nguyên tiêu" – Ngô Quang Phúc

“Hàng năm, vào sáng ngày rằm tháng Giêng âm lịch, các đội lân sư rồng của đồng bào người Hoa các nơi (nhiều nhất là cộng đồng người Hoa ở quận 5, TP HCM) tập trung về chùa Bà tại Bình Dương. Điểm nhấn của lễ hội là đón rước kiệu Bà với những màn diễu hành nghệ thuật đường phố và trình diễn múa rồng của võ sinh các đoàn Lân – Sư – Rồng”, tác giả kể.

 
 

"Thợ hầm lò" – Phạm Huy Đằng

“Bức ảnh chụp công nhân hầm lò vừa lên khỏi hầm sau một ca làm việc vất vả dưới lòng đất. Ảnh chụp tại mỏ than Mông Dương, tỉnh Quảng Ninh năm 2010”.

 
 

"Tung chài" – Nguyễn Hữu Đính

Ảnh chụp hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên dòng sông Như Ý, thành phố Huế.

 

 
 

"Gốm quê" – Trương Minh Điền

“Chị Thị Tịnh, nhà ở ấp Sư Nam, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, làm nghề nắn nồi đất đã lâu. Đây là nghề truyền thống cha truyền con nối. Sau khi chồng chị mất, chị một mình nuôi ba đứa con. Nghề này cho chị vừa đủ tiền lo bữa cơm cho các con cùng khoản trợ cấp hàng tháng của chính quyền địa phương. Hiện con cả của chị đã đi học nghề để kiếm thêm thu nhập, giúp chị lo cho hai đứa còn lại”, tác giả chia sẻ về nhân vật trong hình.

 
 

"Tung chài" – Trần Công

Ảnh chụp hoạt động đánh bắt cá của đồng bào Chăm tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương vào sáng sớm. “Một buổi sáng đẹp trời, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy khoảnh khắc hai ngư dân Chăm nước da đen (có thể là do màu da hay do sự nhọc nhằn của cái nắng, cái gió) tung chài điêu luyện như một vũ công trên sân khấu. Cảm ơn anh đã cho tôi hiểu thêm thực sự công việc thường ngày của ‘nghệ sĩ’ vùng sông nước”, tác giả chia sẻ.

 
 

"Đón bắt" – Nguyễn Văn Khánh

“Trong dịp đi công tác mùa Festival Huế 2006, tôi đã bắt gặp cảnh sinh hoạt đánh bắt cá của người dân trên sông Hương, khi đứng trên cầu Vỹ Dạ vào khoảng 8h30 phút sáng”.