Việt Nam tham dự COP27 với tâm thế chia sẻ và tăng cường hợp tác

Cập nhật 06/11/2022, 07:11:19

Hôm nay (6/11), Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 27) sẽ khai mạc tại Ai Cập.

Hội nghị năm nay có chủ đề là “Together For Implementation” (Cùng nhau thực thi các cam kết). Mục tiêu này muốn thực hiện sẽ cần phải có sự chung tay nỗ lực rất lớn nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và lạm phát toàn cầu như hiện nay. Việt Nam tham dự COP27 năm nay với tâm thế chia sẻ và tăng cường hợp tác.

Gần 1 năm kể từ COP 26, thương vụ tài chính xanh đầu tiên của Việt Nam đã được thực thi. Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn Lego được đặt tại Bình Dương, Việt Nam vừa được khởi công.

”Nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy thứ 6 của chúng tôi và cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên. Nhà máy này sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng của chúng tôi với vai trò ngang hàng với 5 nhà máy còn lại. Chúng tôi sẽ cung cấp tất cả sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cho khách hàng ở toàn khu vực Đông Nam Á”, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), Tổng Giám đốc Công ty LEGO Việt Nam cho biết.

Bên cạnh việc thu hút đầu tư xanh, 1 năm qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy thực thi cam kết bằng việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các cam kết của Việt Nam và nhiều kế hoạch chiến lược quốc gia quan trọng khác. Tham dự hội nghị tại COP 27, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 nội dung trọng tâm.

COP 27 ngoài 2 ngày hội nghị cấp cao sẽ có đến 10 ngày chuyên đề với các chủ đề khác nhau như tài chính, giải pháp, đa dạng sinh học, năng lượng, nông nghiệp. Dự kiến, Hội nghị COP 27 sẽ có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính quốc tế và khoảng 25.000 đại biểu từ 196 nước thành viên tham gia công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Hiện có 46 quốc gia trên thế giới áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon. Riêng Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ thì có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Việt Nam tuy không phải là nước phát thải cao nhất nhưng lại là một trong những nước chịu nhiều tổn thương nhất. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu như hiện nay, Việt Nam cần đẩy mạnh những ưu thế của mình để thu hút những khoản đầu tư bền vững.

Theo VTV


Lượt xem: 2

Trả lời