Việt Nam – Đất nước của những anh hùng

Cập nhật 02/9/2022, 17:09:11

Nếu ví chiều dài lịch sử Việt Nam như một trường thi anh hùng ca thì chắc chắn những chương huy hoàng chói sáng nhất là chương ca ngợi những người anh hùng.

Trong suốt 4000 năm lịch sử, Việt Nam luôn là dân tộc mạnh mẽ kiên cường được hình thành và phát triển bởi từng người, từng gia đình, từng xóm làng, từng thành luỹ! Khi đứng lên bảo vệ quê hương, những người con đất Việt bình dị, chất phác bỗng hóa anh hùng.

Bởi thế trong bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

“Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn ngàn năm Đất Nước

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng”

Trong không khí hân hoan tươi mới của Ngày hội non sông, lòng tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc chắc chắn là cảm xúc chung của mỗi người con đất Việt lúc này.

Không khí tại Lăng Bác sáng 2/9

Một mùa Tết Độc lập lại về trong nắng vàng mùa thu Ba Đình lịch sử. Tết Độc lập năm nay trọn vẹn hơn 2 năm trước đó, thời điểm cả thế giới phải đương đầu với dịch bệnh hoành hành. Lúc này đây khi dịch bệnh đã được khống chế, người người nhà nhà háo hức hân hoan trong không khí một cuộc sống bình thường mới.

Và lễ rước cờ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vẫn trang trọng diễn ra trong ánh mắt chan chứa tinh thần dân tộc của nhiều người.

 2/9 đã trở thành cái Tết chung của toàn dân tộc, ngày mà chúng ta luôn nhớ ơn quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai.

Nhớ về quá khứ là chúng ta biết nghiêng mình trước những hy sinh gian khổ của thế hệ cha ông đi trước, để chúng ta cảm nhận sự quý giá của độc lập tự do hôm nay. Lớp lớp của lịch sử được viết nên bởi chiến công của những anh hùng. Có những người đã khiến thế giới phải sửng sốt, khâm phục và dành những mỹ từ đẹp nhất để mô tả về họ.

Đất nước của những anh hùng

Những thanh âm quen thuộc ở từng ngõ nhỏ, phố nhỏ, những bậc cao niên in hằn dấu vết của thời gian, người không còn đủ tay, người đã hỏng đôi mắt, mỗi người một câu chuyện nhưng họ là những anh hùng!

Bước ra từ sử sách, đây là anh hùng La Văn Cầu – người chặt đứt cánh tay bị thương, phá tan đồn địch. Năm 1952, ông được vinh dự là 1 trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đại tá, Anh hùng LLVTND La Văn Cầu kể: “Cánh tay của tôi lủng lẳng. Tôi chỉ còn cách chặt đi, nhưng bản thân mình chặt không được nên phải nhờ đồng chí đội trưởng Nông Văn Pheo chặt giúp. Nhưng ban đầu đồng chí Nông Văn Pheo bảo: Không được cậu ơi, cậu về thôi để cho người khác làm. Nhưng chúng tôi đã quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, trái tim còn đập còn chiến đấu”.

Việt Nam – Đất nước của những anh hùng - Ảnh 2.

Ở tuổi 75, hoạ sĩ Lê Duy Ứng vẫn miệt mài sáng tác nghệ thuật. Trong số những sáng tác của ông có tác phẩm bức chân dung Bác Hồ được vẽ trong lúc bị thương nặng nhất – mắt phải bị bắn rơi ra ngoài. Ông đã vẽ bằng máu từ chính mắt của mình.

Ý chí quật cường, lòng yêu nước đã khiến thanh xuân của thế hệ đi trước gắn với những điều không tưởng.

Câu chuyện về nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác 2 hòm đạn nặng tiếp tế cho bộ đội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Tuyển vượt qua những giới hạn bình thường của con người.

Chiến tranh qua đi, những người anh hùng về với đời thường. Là cha mẹ, là ông bà, là những người hàng xóm quanh ta. Cơ thể dẫu không còn lành lặn nhưng những năm tháng tuổi trẻ nơi chiến trường với họ luôn là niềm tự hào.

“Tôi vô cùng tự hào vì là người thương binh góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tôi cũng như các bạn của tôi dù có những lúc thời tiết thay đổi, vết thương nhức nhối nhưng chúng tôi không bao giờ phàn nàn vì đó là niềm tự hào với Tổ quốc, với nhân dân” – Đại tá, Anh hùng LLVTND La Văn Cầu nói.

Anh hùng LLVTND Ngô Thị Tuyển bày tỏ: “Chúng tôi rất tin thế hệ trẻ bây giờ. Tôi tin thế hệ trẻ bây giờ dám nghĩ dám làm, làm được nhiều điều tốt và từ đó các cháu sẽ tu dưỡng đạo đức để bảo vệ cho dân, cho Đảng và gìn giữ đất nước”.

“Có biết bao người con gái, con trai. Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi. Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. Sức mạnh nào đã khiến cho những chàng trai cô gái tràn sức sống thanh xuân bỗng hóa những anh hùng. Chỉ có thể lòng yêu nước, là tinh thần tự hào dân tộc, là ý chí quật cường trước khó khăn.

“Họ đã làm ra đất nước”. Anh hùng chỉ xuất hiện trong những thời khắc cam go nhất, thời khắc hiện diện sinh tử của nhiều người. Và vì thế anh hùng thời nào cũng có, giữa cuộc sống hôm nay, có những con người mà công việc của họ là đối mặt với hiểm nguy, sự xuất hiện của họ luôn kịp thời để bảo vệ bình yên, hạnh phúc cho những người khác. Và cái giá phải trả thậm chí là sự hy sinh.

Thời nào cũng có anh hùng

Ngày mùng 1/8, một ngày bình yên với biết bao người. Ngày làm nhiệm vụ bình thường lại là ngày mà một đội trưởng nhiệt huyết, trách nhiệm; một Thượng úy 25 tuổi giàu tình cảm; và một Hạ sĩ 19 tuổi còn trong mình bao ước mơ, của Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Quận Cầu Giấy ra đi, mãi không về.

Việt Nam – Đất nước của những anh hùng - Ảnh 3.

Đã 1 tháng kể từ khi ngôi nhà này vắng bóng người con, người chồng, người bố. Nuôi con từ thủa còn thơ, bên con hơn 40 năm cuộc đời, bà Trần Thị Thủy – mẹ của Liệt sĩ, Thượng tá Đặng Anh Quân – vẫn từng giờ nhớ những bữa cơm, nhớ những khi anh Quân đi làm về.

Nén nỗi đau đớn tột cùng, chị Nguyễn Thu Huyền, vợ của Liệt sĩ Đặng Anh Quân gắng gồng mạnh mẽ, để trở thành chỗ dựa cho con, cho mẹ chồng. Thế nhưng, những ký ức về chồng đôi khi vẫn làm chị rơi nước mắt khi nghĩ về. Công việc của anh Quân vất vả nhưng bởi trách nhiệm của một người lính, còn có những thiệt thòi hơn.

Còn ở căn nhà tập thể nhỏ này, những kỷ vật còn lại vẫn nhắc nhớ bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, mẹ Liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc về cậu con trai 19 tuổi, hiếu thảo, không ngại xông pha. Học giỏi tiếng Anh và tiếng Nhật, Phúc tạm gác lại ước mơ trở thành giảng viên Ngoại ngữ, bảo lưu Đại học, để đi nghĩa vụ và tham gia “chạy cháy”.

Dẫu đớn đau, mất mát nhưng những người mẹ, người vợ của các “anh hùng” phải gắng gượng vượt qua. Bởi trong họ hiểu rằng, sự cống hiến của các anh đã mang lại bình yên cho rất nhiều người dân, sinh mạng.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Sự bình yên của người dân vẫn đang được âm thầm bảo vệ bởi những người chiến sĩ công an. Thời nào cũng có anh hùng và họ chính là những “anh hùng trong thời bình”.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai” – Những người anh hùng thời bình họ có khắc nào nghĩ đến bản thân khi mà giặc lửa có thể ảnh hưởng tới mạng sống của nhiều người trong đó.

Họ đã hy sinh để đổi lấy bình yên cho cuộc sống này. Và còn nhiều nữa những câu chuyện, những con người biết sống hy sinh, sống vì người khác. Họ đã trở thành anh hùng lúc nào không hay bởi chính những gì họ làm đã tạo nên vô vàn những diệu kỳ của cuộc sống.

Không có phép màu nào nhiệm màu bằng tình yêu và lòng tốt của con người. Tình yêu thương giúp chúng ta có sức mạnh để vượt qua những khó khăn của cuộc sống, cho những chàng trai sức đối đầu với những cơn sóng dữ cứu người trên biển, cho các y bác sỹ không gục ngã trước lưỡi hái tử thần của dịch bệnh, hay các thầy cô giáo vùng cao bám nghèo bám khổ chỉ bởi ước mơ duy nhất là học trò nghèo được học chữ…

Theo VTV

Lượt xem: 4

Trả lời