Tiết kiệm, chống lãng phí cần thực chất

Cập nhật 31/10/2022, 13:10:50

ĐBQH đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đưa ra giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong thực hành tiết kiệm.

Hôm nay (31/10), Quốc hội dành cả ngày để nghe báo cáo và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021. Báo cáo của Đoàn Giám sát về chuyên đề này cho thấy: Công tác tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm qua đã phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế giai đoạn 2020 – 2021.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế đáng lưu ý như công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 30% kế hoạch. Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát làm việc có báo cáo đã có trên 1.700 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ với tổng diện tích trên 12.000 ha. Đến tháng 12/2021, vẫn còn 28 địa phương chưa phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp.

Trong phiên thảo luận sáng nay, cùng với chỉ ra những hệ lụy do lãng phí gây ra, nhiều đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo để đưa ra giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo ông Lê Minh Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Đề nghị phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân. Theo tôi đây là đề xuất quan trọng đồng thời với việc tăng cường quản lý, thúc đẩy tuân thủ pháp luật, cuộc vận động và phong trào thi đua sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm xây dựng văn hóa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hiệu quả, hiệu lực thực chất đạt được nhiều thành tựu cao hơn'”.

“Theo tôi trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì yếu tố đầu tiên phải đề cập đến là nhân tố con người, quyết định đến tính hiệu quả của chương trình. Vì vậy, trong vấn đề này tôi đề nghị đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tùy vào lĩnh vực mà xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp. Qua Báo cáo giám sát thể hiện rất rõ việc vi phạm pháp luật ở nhiều góc độ, khía cạnh nhưng tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích như quản lý tài sản công, lĩnh vực đất đai”, bà Siu Hương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Tiết kiệm, chống lãng phí cần thực chất - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: “Khi chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là cái gốc của việc chống lãng phí và đặc biệt trong khu vực công. Phải làm sao cho tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà nó phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân và đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. Nếu không, dù hệ thống pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, thành phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm”.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận phiên toàn thể về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Phiên làm việc được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời