Máy bay AirAsia mất tích: Phát hiện khói ở vùng tìm kiếm

Cập nhật 30/12/2014, 13:12:38

Hôm nay 30.12, hai ngày sau vụ máy bay của hãng hàng không giá rẻ AirAsia mang số hiệu QZ8501 mất tích bí ẩn, chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn của Indonesia tiếp tục được triển khai.

 
Máy bay AirAsia mất tích: Phát hiện khói ở vùng tìm kiếm - ảnh 1
Một quan chức quân đội Indonesia đang chỉ tay vào địa điểm nghi là nơi máy bay QZ8501 rơi trên bản đồ – Ảnh: Reuters

 

[13 giờ 30]: Indonesia trong ngày 30.12  phát hiện các vật thể trông giống như cửa thoát hiểm và cửa máy bay và nhiều vật khác trôi dạt trong khu vực tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia mất tích. 
[13 giờ]: Truyền hình Indonesia vừa đăng tải hình ảnh cho thấy các vật thể trôi dạt trên biển nhiều khả năng là của máy bay mất tích, Reuters đưa tin. 
[11 giờ 15]: Một chuyên gia hàng không Úc vào ngày 30.12 cho rằng vụ máy bay AirAsia mất tích là do lỗi con người, vì phi công đã bay thẳng vào khu vực khét tiếng nguy hiểm ở biển Java. 
[11 giờ]: Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Indonesia (Barsanas) xác nhận hai tín hiệu cầu cứu nhận được không phải từ QZ8501.

[9 giờ 42]: Indonesia xác nhận tất cả thông tin về việc phát hiện 3 vật thể nghi của máy bay mất tích là "báo động giả", theo đài Channel News Asia (Singapore).

[9 giờ 38]: Vết dầu loang phát hiện trên biển nghi của máy bay mất tích được xác định là san hô, theo đài 9News (Úc). 

[8 giờ 50]: Thái Lan tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ công tác tìm kiếm máy bay mất tích AirAsia, tờ Bangkok Post (Thái Lan) dẫn lại thông tin từ bức điện tín của Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha gửi cho chính quyền Indonesia.

[8 giờ 30]: Cuộc tìm kiếm máy bay mất tích AirAsia chuyến bay QZ8501 tiếp diễn trong ngày 30.12. Hải quân Mỹ điều khu trục hạm tên lửa USS Sampson tham gia chiến dịch tìm kiếm.

Máy bay AirAsia mất tích: Phát hiện khói ở vùng tìm kiếm - ảnh 2
Khu trục hạm tên lửa Mỹ USS Sampson – Ảnh: Hải quân Mỹ

[8 giờ 12]: Indonesia mở rộng khu vực tìm kiếm từ 5 khu vực lên 13 khu vực ở biển Java. QZ8501 được cho là đang nằm dưới đáy và rơi xuống biển Java.

[8 giờ 01]: Indonesia đã chính thức đề nghị Mỹ giúp đỡ trong việc tìm kiếm máy bay AirAsia chở 162 người mất tích vào ngày 28.12, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29.12 cho biết.

[7 giờ 15]: Bộ quốc phòng Trung Quốc vào hôm 29.12 thông báo sẽ gửi máy bay và tàu quân sự tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay QZ8501 bị mất tích ở Indonesia.

Sĩ quan Hải quân Indonesia thảo luận về vùng tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích trên một tấm bản đồ ghi chú vị trí toàn bộ tàu thuyền tham gia lùng tìm của 3 nước, Indonesia, Singapore và Malaysia – Ảnh: Reuters

[6 giờ 55]: Trang tin News (Úc) đưa tin khi phi công của QZ8501 yêu cầu được thay đổi hướng để tránh bão, Trạm Kiểm soát Không lưu Indonesia đã từ chối vì xảy ra va chạm với máy bay khác đang bay trong khu vực.

News cho hay chiếc máy bay chở theo 162 người của AirAsia còn bị một bất lợi khác là trạm không lưu mặt đất đã chậm trễ trong việc báo động khi máy bay mất liên lạc.

Phải mất 30 phút Trạm Kiểm soát Không lưu Jakarta mới thông báo điều bất thường này cho phía Singapore. Và do thời tiết xấu. phải mất thêm vài tiếng đồng hồ các nhà chức trách mới triển khai được một cuộc tìm kiếm, theo trang tin Úc.

Máy bay AirAsia mất tích: Phát hiện khói ở vùng tìm kiếm - ảnh 3
Đồ họa: Phước Huy
[Rạng sáng 30.12]: Đội tìm kiếm Indonesia đã phát hiện thấy có khói bốc lên ở đảo Belitung, cơ quan tìm kiếm và cứu hộ nước này thông báo.

Trang tin CBS News (Mỹ) dẫn lời tiến sĩ Max Ruland, giám đốc điều hành các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn Indonesia, cho biết đã điều 2 máy bay Cessna đến nơi báo có khói để điều tra.

Chiếc Airbus chở theo 162 người được cho là đã rơi ở tọa độ 3o22'46'' nam và 108o50'07'' đông, trong vùng biển Java cách đảo Belitung nằm về phía đông đảo Sumatra khoảng 80-100 hải lý.

Được biết, chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia mất liên lạc với Trạm Kiểm soát không lưu Jakarta (Indonesia) vào lúc 6 giờ 17 phút sáng ngày 28.12 (giờ địa phương), một quan chức thuộc Bộ Giao thông Indonesia thông báo.

Vị này cho hay trước khi mất tích, phi công trên máy bay đã đề nghị đổi hướng sang một "lộ trình bay bất thường" trước khi mất liên lạc với mặt đất.

Máy bay đang bay ở độ cao 32.000 feet (9.753,6 m) và đã đề nghị được bay lên mức 38.000 feet (11.582,4 m) với lý do tránh mây.

Tuy nhiên, các dữ liệu ghi nhận được trên chuyến bay cho thấy không có bất kỳ cuộc gọi hay tín hiệu kêu cứu nào được phát đi sau khi vụ việc xảy ra. 

theo Thanh Niên Online


Lượt xem: 31

Trả lời