Lịch sử – điều mỗi người Việt Nam không được phép lãng quên

Cập nhật 30/4/2023, 15:04:42

Nhìn vào những chứng vật lịch sử, chúng ta thấy thêm yêu, thêm biết ơn sự cống hiến, hy sinh của hàng triệu thế hệ cha ông đã chiến đấu vì non sông bờ cõi…

Nhiệm vụ của chúng ta, là không bao giờ được phép lãng quên!

Cách đây 51 năm, tại chiến trường Tây Nguyên ( Đăk Tô – Tân Cảnh), chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 377 tiểu đoàn 297, Trung đoàn 203 cùng kíp lái gồm 04 anh hùng liệt sĩ đã lập lên một chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên và cuộc tiến công chiến lược năm 1972, tạo đà cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 27/4/2023, mới đây UBND huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xe tăng này là Bảo vật Quốc gia. Cùng với đó, để bảo quản, phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, uống nước nhớ nguồn ở Đăk Tô, chính quyền địa phương cho biết đang phối hợp với ngành giáo dục để đưa bảo vật này vào chương trình giáo dục phổ thông, Tượng đài Đăk Tô – Tân cảnh với những chiếc xe tăng đã đi vào lịch sử cũng sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng.

Những hiện vật về “Bảo vật quốc gia” xe tăng 377 được trưng bày

Từ ngày 24/4-28/4/2023, Bảo tàng Lực lượng Tăng – Thiết giáp phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đắc Tô, Bảo tàng Thư viện tỉnh Kon Tum, tổ chức trưng bày chuyên đề:” Lực lượng Tăng Thiết giáp và xe tăng 377 trong chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh (1972) tại Nhà Rông trong thời gian diễn ra Lễ công bố quyết định bảo vật quốc gia xe tăng T59, số hiệu 377 và khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đắc Tô lần thứ 4 năm 2023.

Một số hiện vật quý hiếm liên quan chiếc xe tăng 377 được trưng bày

Triển lãm giới thiệu hơn 200 hình ảnh, hiện vật tiêu biểu. Đặc biệt Bảo tàng Lực lương Tăng Thiết giáp mang tới triển lãm những hình ảnh, di vật của các thành viên kíp xe tăng 377 như: Nắm cơm cháy – khẩu phần ăn của thành viên kíp xe trong ngày 24/4/1972, Sổ học Chính trị, Bi đông của Trung đội trưởng Trưởng xe, Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển, Thư viết về cho Gia đình của đồng chí Nguyễn Đắc Lượng, Chăn chiên của đồng chí Cao Trần Vịnh… Chuyên đề đã thu hút đông đảo các đại biểu, cựu chiến binh, bà con các dân tộc, học sinh trên địa bàn huyện Đak tô và các huyện lân cận đến thăm quan, nghiên cứu, học tập.

Lịch sử - điều mỗi người Việt Nam không được phép lãng quên - Ảnh 3.

Chia sẻ về hoạt động này, ông Mai Văn Chính, Giám đốc Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cho rằng Hơn năm mươi năm đã trôi qua, chiến công của Kíp xe tăng 377 vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho câu chuyện kể về tình đồng chí, đồng đội, về sự đoàn kết, gắn bó của những người chiến sỹ xe tăng trong mỗi bài thơ, bản nhạc. Chiến công ấy cũng đã trở thành một biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam – “chiến đấu anh hùng, hy sinh anh dũng”.

Và thông qua các hiện vật lịch sử cùng chứng vật bất tử – xe tăng 377, Bảo tàng Tăng – Thiết giáp tin rằng người dân sẽ có cái nhìn cận cảnh hơn về những gian truân, khó khăn của bộ đội ta trong chiến tranh, qua đó thêm yêu lịch sử, yêu đất nước Việt Nam và biết ơn bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

Theo VTV


Lượt xem: 3

Trả lời