Khắc phục tình trạng kết quả nghiên cứu “cất ngăn kéo“

Cập nhật 13/9/2016, 13:09:19

Không thể đưa một nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra áp dụng mà phải có khớp nối. Cần coi trọng việc phát triển khớp nối này

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật mới chỉ sửa đổi, bổ sung liên quan đến 16 điều trên tổng số 61 điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006. Qua thảo luận, nhiều ý kiến còn băn khoăn nên sửa 16 điều hay sửa đổi toàn diện Luật.

Các đại biểu cho rằng, với tình trạng công nghệ trong nước như hiện nay và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều là chưa thể đáp ứng được. Do đó các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Phạm vi sửa đổi phải bao quát hơn, toàn diện hơn, phải kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Luật cũ, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ và phù hợp với tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước hiện nay. Về nội dung yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 20 của Trung ương 6 khóa 11 nói về khoa học công nghệ rất rõ. Tôi rất hoan nghênh việc sửa luật này đưa ra những quy định về vai trò quản lý nhà nước kiểm soát công nghệ”.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, dự thảo Luật hầu như mới chỉ quy định về nhập khẩu công nghệ, mà chưa đề cập nhiều đến việc chuyển giao công nghệ trong nước.

Theo ông Phan Thanh Bình, cần làm rõ khó khăn trong chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường với doanh nghiệp và Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được khó khăn, vướng mắc đó. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được làm rõ trong dự thảo Luật.

Ông Phan Thanh Bình đề nghị: “Phải có 3 công đoạn, thứ nhất là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thứ 2 là tổ chức trung gian, khớp nối và thứ 3 là doanh nghiệp sử dụng. Nó phải có 3 bộ phận đi đồng loạt với nhau. Đôi khi không thể đưa một nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra áp dụng mà phải có khớp nối. Hiện nay, đơn vị trung gian này chúng ta đã nói tới trong Luật khoa học công nghệ đến Luật chuyển giao công nghệ trong 10 năm qua, tuy nhiên việc phát triển khớp nối này như thế nào mới là quan trọng”.

Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, cần chú trọng chuyển giao công nghệ trong các ngành, lĩnh vực hướng tới các sản phẩm chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh. Để khắc phục tình trạng “cất ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định khuyến khích, hỗ trợ, bắt buộc nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước vào thực tiễn sản xuất, chú trọng chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa, phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam./.

Theo VOV


Lượt xem: 73

Trả lời