Hội nghị ASEAN+3: Ưu tiên thúc đẩy các chương trình đã thỏa thuận

Cập nhật 10/10/2013, 13:10:42

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, sáng 10/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hợp tác ASEAN+3 là một trong những cơ chế khu vực năng động và hiệu quả nhất, tạo động lực thúc đẩy hợp tác và liên kết Đông Á, góp phần xử lý hiệu quả nhiều thách thức, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Tại Hội nghị này, lãnh đạo các nước ASEAN và 3 nước Đối tác Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả hợp tác ASEAN+3 thời gian qua; nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên thực hiện các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư và tài chính; triển khai lộ trình mới về Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á và Sáng kiến Phát triển trái phiếu tài chính hạ tầng; đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự phát triển và những thành tựu tích cực của hợp tác ASEAN+3 trong thời gian qua, đặc biệt thông qua thực hiện Kế hoạch Công tác ASEAN+3. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, kim ngạch thương mại giữa ASEAN và các nước +3 năm 2012 vẫn tăng 5%, đạt 712 tỷ USD. Tỷ trọng thương mại của 3 nước Đông Bắc Á chiếm 28,8% kim ngạch thương mại của ASEAN và đầu tư trực tiếp vào ASEAN cũng tăng 6,6% đạt 46,7 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng đầu tư nước ngoài vào ASEAN. Hợp tác kinh tế vĩ mô cũng được củng cố và thúc đẩy thông qua mở rộng quy mô Sáng kiến Chiang Mai, Sáng kiến Thị trường trái phiếu Châu Á…

Nhấn mạnh việc định hình cấu trúc khu vực đang mang tới cả những cơ hội và thách thức mới cho các nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chúng ta cần phát huy các nguyên tắc cơ bản và triển khai cụ thể các định hướng hợp tác lớn được nêu trong Tuyên bố Cấp cao kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3, nhằm đưa hợp tác ASEAN+3 đi vào chiều sâu và thực chất hơn, đặt nền tảng vật chất cho cộng đồng ở Đông Á trong tương lai”.

Một số trọng tâm hợp tác là cần tập trung củng cố hợp tác toàn diện và hiệu quả trên cơ sở các kế hoạch và chương trình hành động đã có.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Đẩy mạnh quá trình liên kết kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tạo cơ sở thiết lập FTA khu vực Đông Á trong tương lai. Cần đẩy mạnh đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo đúng lộ trình vào năm 2015. Đi đôi với quá trình này, cần phát huy hơn nữa vai trò hiệu quả và sự gắn kết của các FTA+1 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các sáng kiến FTA khác trong khu vực; tăng cường hợp tác phát triển và kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), gia tăng quảng bá và khuyến khích doanh nghiệp tận dụng các cơ hội và thuận lợi mà các FTA đem lại.

Đồng thời, các nước tiếp tục tăng cường hợp tác ổn định tài chính vĩ mô thông qua triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai, thực hiện toàn diện Kế hoạch Công tác triển khai Lộ trình mở rộng Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á và Quỹ Đầu tư bảo đảm tín dụng; đẩy mạnh phối hợp xây dựng các chính sách tài chính và tiền tệ trong khu vực, tạo hiệu quả chính sách có lợi cho tất cả các nước trong các lĩnh vực này.

Tăng cường hơn nữa hợp tác kết nối trong khuôn khổ ASEAN+3, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, giao thông, giao lưu nhân dân, học thuật và thu hẹp khoảng cách phát triển, thông qua triển khai hiệu quả và toàn diện Tuyên bố về Quan hệ Đối tác ASEAN+3 về Kết nối, và Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, tạo cơ sở cho mở rộng liên kết và kết nối ở khu vực Đông Á.

Cùng nhau đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu như an ninh năng lượng và lương thực, phòng chống dịch bệnh, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu… quản lý các nguồn tài nguyên nước cũng như thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục, du lịch… nhằm nâng cao sự hiểu biết và lòng tin của người dân về hợp tác ASEAN+3.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cần đẩy mạnh hợp tác an ninh-chính trị nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy, bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải; cùng nhau ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, cướp biển…, đồng thời chung tay xây dựng các chuẩn mực ứng xử và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, vì hòa bình, ổn định và phát triển chung ở khu vực…

Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch công tác ASEAN+3 sửa đổi đến năm 2017; quyết định sớm triển khai Đối tác ASEAN+3 về Kết nối, bao gồm cả việc xem xét lập Qũy tài chính ASEAN+3 về kết nối hạ tầng khu vực; tiếp tục mở rộng Sáng kiến Chiang Mai.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã quyết định đẩy hợp tác về an ninh, chính trị và ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; trong đó có hợp tác về bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh và an toàn lượng thực, môi trường, ứng phó với thảm họa thiên nhiên, phát triển bền vững, y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thông tin và truyền thông, giao lưu nhân dân…

Theo TTĐT Chính Phủ


Lượt xem: 14

Trả lời