Cuộc ‘đọ gan’ Trung – Nhật trên trời Hoa Đông

Cập nhật 13/3/2015, 21:03:19

Tọa lạc tại phía nam đảo Okinawa, căn cứ không quân Naha, từng là vùng đất trũng nước bình yên chan hòa ánh nắng, nay trở thành tiền tuyến, thử thách ý chí hai cường quốc lớn nhất châu Á Trung – Nhật.

 

 
07japan-2-articleLarge-8949-1426218742.j

Chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản đang tiến hành diễn tập. Ảnh: New York Times

Tại đây, chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản cất cảnh làm nhiệm vụ ngăn chặn máy bay ngoại quốc ngày ngày diễn ra ít nhất một lần, mà phần lớn mục tiêu là máy bay của Trung Quốc.

Các phi công cho biết, họ thường phải đối phó với các máy bay trinh sát ì ạch bay vòng theo đường lãnh không mà Tokyo tuyên bố chủ quyền, nhưng Bắc Kinh có lúc lại điều chiến đấu cơ thực hiện hành động trên. Đây chính là những thời khắc thách thức nhất với kỹ năng bay và khả năng tự kiềm chế của các phi công Nhật Bản.

"Ngăn chặn chiến đấu cơ bao giờ cũng đau đầu hơn", Trung tá Hiroyuki Uemura, chỉ huy một trung đội 20 máy bay F-15, cho biết. "Chúng tôi phải bám sát trận địa, nhưng không được có hành vi khiêu khích".

Những hoạt động đối đầu trên không như vậy đã khiến Hoa Đông trở thành một trong các điểm nóng nguy hiểm nhất tại châu Á – Thái Bình Dương. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách tại Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến chiến tranh, và khi đó Washington chắc chắn sẽ bị cuốn vào.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại không hề tỏ ra lùi bước trước các hoạt động trên của không quân Trung Quốc. Ngược lại, đây còn là cơ hội để Tokyo thể hiện sức mạnh quân sự của mình trước sự trỗi dậy và tham vọng kiểm soát vùng biển xung quanh của Bắc Kinh.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, một chính khách nổi tiếng với quan điểm chủ nghĩa dân tộc, chính sách phòng thủ của Nhật Bản đang có sự điều chỉnh quan trọng và triệt để nhất từ nhiều chục năm trở lại đây.

Sau hơn 10 năm liên tục cắt giảm chi tiêu quân sự, chính sách "chủ nghĩa hòa bình tích cực" của ông Abe đã xoay ngược xu thế trên. Nội các của ông còn muốn sửa đổi hiến pháp, nhằm giải trừ những hạn chế của lực lượng vũ trang nước này. 

Trọng tâm trong chiến lược của Thủ tướng Abe là khiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) được công nhận rộng rãi hơn. Kể từ khi thành lập vào năm 1954 đến nay, nhiệm vụ của SDF được giới hạn chặt chẽ trong việc bảo vệ lãnh thổ, nhưng không hoàn toàn nhận được công nhận của người dân Nhật Bản bởi mối lo ngại về sự liên quan của lực lượng này với chủ nghĩa quân phiệt trong Thế chiến thứ hai.

Mục tiêu dài hạn của Thủ tướng Abe là sửa đổi Hiến pháp Hòa bình, cho phép Nhật Bản được quyền có quân đội hoàn chỉnh. Mặc dù, điều này hiện nay chưa giành được đủ sự ủng hộ từ người dân, chính trị gia này vẫn nỗ lực để chuyển đổi SDF từ lực lượng phòng vệ thuần túy, sang vai trò là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện chính sách ngăn chặn quân đội Trung Quốc, đang không ngừng hiện đại hóa.

"Nhật Bản cho rằng cần phải thay đổi tư duy trước sự trỗi dậy của Trung Quốc", chuyên gia Sheila Smith thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, bình luận. "Từ Thế chiến thứ hai đến nay, Nhật Bản lần đầu tiên phát hiện ra mình đang ở trước tiền tuyến. Họ lần đầu tiên tự hỏi rằng, kế hoạch phòng thủ độc lập sẽ là như thế nào".

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dưới sự ủng hộ của Mỹ, Nhật Bản xây dựng một lực lượng quân sự có nền kỹ thuật tiên tiến, nắm vai trò hỗ trợ cho quân đội Mỹ với nhiệm vụ tuần tra tại các tuyến hàng hải chiến lược.

Sau hàng chục năm phát triển, vai trò và quân số của SDF được mở rộng hơn, với 250.000 quân nhân. Tuy nhiên, con số này vẫn nhỏ hơn nhiều so với hơn 2,3 triệu quân Giải phóng Trung Quốc.

Sự phát triển của SDF được thể hiện rất rõ tại Okinawa. Lực lượng vũ trang Nhật Bản tại đây được yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ khó khăn hơn. Đó là chiến đâu cơ chỉ cần 20 phút để bay từ căn cứ Naha đến quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư. Quần đảo này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo và là tâm điểm mâu thuẫn giữa hai nước Nhật – Trung.

Trước việc Trung Quốc không ngừng điều máy bay và tàu thuyền đến tuần tra khu vực tranh chấp trong những năm gần đây, Nhật Bản cũng phải điều động chiến đấu cơ giám sát ngăn chặn, đồng thời xây dựng trạm radar trên đảo Yonaguni gần đó. Đây là căn cứ mới đầu tiên mà Tokyo xây dựng trong hàng chục năm qua.

download-9231-1426218742.jpg

Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là tâm điểm mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh:Reuters

Bên chiếm ưu thế

Cuộc đối đầu kéo dài tại Senkaku/ Điếu Ngư phản ánh thế cạnh tranh lớn hơn, trong bối cảnh cục diện tương quan lực lượng tại châu Á đang thay đổi. Giới quân sự Trung Quốc cho rằng quần đảo Okinawa, bao gồm cả Senkaku/ Điếu Ngư, là một phần của "Chuỗi đảo thứ nhất" trong chính sách phòng vệ của nước này. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh muốn kiểm soát vùng biển phía tây Nhật Bản, vốn nằm dưới sự khống chế của Washington và Tokyo.

Xem thêm: Vì sao Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách quốc phòng

Giới phân tích quân sự cho rằng, mặc dù tốc độ chi tiêu quân sự của Nhật Bản khó có thể đuổi kịp Trung Quốc, nhưng ưu thế lớn nhất của nước này là Lực lượng Phòng vệ trên biến (MSDF). Năng lực chiến đấu của lực lượng này được đánh giá là đứng thứ hai thế giới, chỉ sau hải quân Mỹ.

Giới chỉ huy quân sự Mỹ bình luận rằng, ưu thế trên biển của Nhật Bản có từ lâu, kết hợp với những trang bị tiên tiến như hệ thống radar Aegis, khiến MSDF là lực lượng duy nhất, ngoài hải quân Anh ra, có thể phối hợp toàn diện, thuần thục với hải quân Mỹ. "MSDF là đồng minh trên biển có thực lực nhất của chúng tôi", Trung tướng Robert Thomas, chỉ huy trưởng Hạm đội số 7 của Mỹ, cho biết.

Năm 2014, chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản, Izumo, chính thức hạ thủy. Đây là hàng không mẫu hạm loại nhỏ, có thể đỗ máy bay trực thăng. Izumo là một phần trong chiến lược nâng cao khả năng cơ động quân sự của Tokyo, với mục đích bảo vệ các quân đảo phía nam, bao gồm Senkaku/ Điếu Ngư, bất kể có nhận được sự hỗ trợ của quân đội Mỹ hay không.

Các phi công tại căn cứ Naha cho biết, họ thường xuyên tiến hành huấn luyện để duy trì ưu thế trên. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều máy bay Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Hoa Đông, áp lực nhiệm vụ của lực lượng đồn trú tại đây cũng trở nên lớn hơn.

Trong 9 tháng cuối năm 2014, phi công tại Naha có 379 lần điểu động khẩn cấp chiến đấu cơ để ngăn chặn máy bay Trung Quốc, gấp 6 lần thời điểm năm 2010. "Mỗi năm, năng lực hành động của Trung Quốc dường như lại được nâng cao", Thiếu tướng Yasuhiko Suzuki, tư lệnh căn cứ Naha, cho biết. "Mối lo của chúng tôi vì thế mà tăng dần mỗi năm".

4-6339-1426222103.jpg

Senkaku/Điếu Ngư nằm cách Naha, thành phố chính trong chuỗi đảo Okinawa của Nhật, khoảng 400 km. Ảnh: New York Times

Theo vn Express


Lượt xem: 17

Trả lời