Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4

Cập nhật 06/5/2020, 07:05:26

Ngày 5-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế – xã hội (KTXH) tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta thấy Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt; kinh tế tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ rất nhiều nhưng vẫn là nước có tăng trưởng cao nhất trong khu vực; kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế sau dịch.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành ngay Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD), đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… với những giải pháp cụ thể, sát thực tiễn. Do đó các cấp, các ngành phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự điều hành của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch (PCD) đã được triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, đạt kết quả tốt, đẩy lùi dịch ở Việt Nam, không lây lan trong cộng đồng. Chính phủ có nhiều chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời, hợp lòng dân. Dịch cơ bản được đẩy lùi nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

Chúng ta cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, nhất là phục hồi và phát triển KTXH; nới lỏng để phát triển SXKD, phục hồi các hoạt động xã hội, nhất là các vùng công nghiệp trọng điểm, đô thị lớn. Giao chính quyền các địa phương căn cứ tình hình địa bàn có đối sách phù hợp. Tinh thần là khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải nỗ lực gấp ba. Ðây là “thời điểm vàng” để tiếp tục phát triển kinh tế đất nước, giải quyết việc làm cho nhân dân. Thủ tướng lưu ý các bộ trưởng, tư lệnh các ngành, lãnh đạo địa phương nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tập tháo gỡ khó khăn cụ thể cho người dân và DN. Ðề nghị lãnh đạo sâu sắc hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính cản trở sự phát triển. Thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương (BNÐP). Lãnh đạo phải đi trước một bước, trăn trở, suy nghĩ, động viên, giải quyết, khích lệ kịp thời cán bộ công chức; nâng cao năng lực dự báo ở các BNÐP. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, hiệu lực hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương vì đất nước.

Thủ tướng nói rõ, tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, chú trọng các biện pháp PCD. Nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP theo phương án tối ưu hơn 5% chứ không phải như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo là 2,7%. Muốn như vậy là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các BNÐP phải được đặt ra. Ðẩy mạnh thu hút FDI, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, tiêu dùng nội địa là năm mũi đột phá để tăng trưởng trong giai đoạn này, trong đó vai trò người dân và DN là nền tảng sự phát triển. Phải bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho SXKD trong điều kiện bình thường mới là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của các cấp, các ngành; tập trung xử lý cho các loại hình DN phát triển, kể cả xử lý về thuế, phí; quan tâm hơn nữa an sinh xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, năm nay, tình hình thế giới nói chung, các đối tác lớn của Việt Nam cũng vô cùng khó khăn, dự báo tăng trưởng âm. Việt Nam là nước hội nhập, do đó cần xem xét các chỉ tiêu như GDP, ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công. Ban cán sự đảng Chính phủ đã báo cáo Trung ương về việc báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về KTXH trong tình hình mới, trong đó điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu KTXH năm nay. Việc này cần phải làm ngay để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội ngay tại kỳ họp sắp tới; làm như vậy để đỡ áp lực trong chỉ đạo điều hành, đồng thời có thể vay thêm nguồn để phát triển. Thủ tướng đồng ý đề nghị Quốc hội tăng bội chi ngân sách và nợ công; giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó Bộ Tài chính điều chỉnh bội chi ngân sách và nợ công. Cần chọn kịch bản tốt nhất, lạc quan và trách nhiệm nhất; phấn đấu tăng trưởng tối đa, gấp đôi mức IMF khuyến cáo Việt Nam. Thủ tướng cũng lưu ý về bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền những thành công trong PCD mà thế giới đánh giá cao; nhấn mạnh hơn nữa phục hồi phát triển KTXH; cần tạo khí thế mới mạnh mẽ trong thúc đẩy SXKD, phát triển đất nước.

Tại phiên họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ Giáo dục và Ðào tạo chủ động, tích cực hướng dẫn các Sở Giáo dục và Ðào tạo và các trường bảo đảm an toàn học sinh đi học trở lại. Thủ tướng lưu ý giãn cách học sinh phù hợp thực tế, không cứng nhắc như hiện nay. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các trường thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên đến trường. Ðối với các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cơ bản không có nhiều thay đổi so năm 2019. Bộ Giáo dục và Ðào tạo ra đề thi, xây dựng và cung cấp phần mềm chấm thi, thí sinh vẫn dự thi ở địa phương mình, nội dung thi phù hợp; các trường cao đẳng, đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ tuyển sinh. Bộ khẩn trương ban hành các quy chế và hướng dẫn công tác thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng; chuẩn bị đề thi chất lượng, có phần mềm chấm thi bảo đảm an toàn, bảo mật; tăng cường công nghệ giám sát, thanh tra công tác tổ chức kỳ thi, bảo đảm kỳ thi tổ chức thành công. Thủ tướng giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về bảo đảm an toàn, nghiêm túc các kỳ thi tại địa bàn.

★ Tính đến ngày 22-4, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,75% so cuối năm 2019 (tăng 12,58% so cùng kỳ), huy động vốn tăng 0,35% (tăng 12,16% so cùng kỳ); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,99% (tăng 10,75% so cùng kỳ). Tính chung bốn tháng đầu năm, cả nước có 37.596 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 445.223 tỷ đồng, giảm 13,2% về số DN và giảm 17,9% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2019.

★ Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Dự thảo Nghị quyết nêu ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp chi tiết được phân theo thẩm quyền: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết nghị ngay; nhóm giải pháp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định; và nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ quyết nghị chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện ngay trong phạm vi chức năng, thẩm quyền…

★ Chiều tối cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Tích cực giảm lãi suất, hỗ trợ Doanh nghiệp

Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, NHNN triển khai sớm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, miễn giảm lãi suất, sẵn sàng nguồn vốn cho DN sau dịch. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, kết quả ngành ngân hàng triển khai thời gian qua là đáng kể, theo đó về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, toàn hệ thống đã cơ cấu được cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ 980.163 tỷ đồng; mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 đến 2%, thậm chí có tổ chức tín dụng hạ lãi suất từ 2,5 lên đến 4%. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn khi cho vay trước khi dịch xảy ra từ 1 đến 2% cho 147.637 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1 đạt khoảng 533 nghìn tỷ đồng.

Chấn chỉnh công tác mua sắm thiết bị, vật tư y tế

Về vụ việc mua sắm máy xét nghiệm RT-PCR ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, kết quả bước đầu xác định, các đối tượng cùng với các công ty đã cấu kết, gian lận, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm gấp ba lần; hiện các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại khoản tiền. Qua nắm tình hình, nhiều địa phương mua máy móc, thiết bị, vật tư y tế PCD, Bộ Công an tham mưu Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, thanh tra, chấn chỉnh việc thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất chống dịch, nhất là mua máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất xét nghiệm. Khi thanh tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan công an sẽ tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định.

Ðiều tra, xử lý nghiêm vụ Ðường “Nhuệ”

Liên quan đến vụ án Ðường “Nhuệ”, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, qua theo dõi của Bộ Công an, đối tượng Ðường hành động rất tinh vi, đều không ra mặt, cho nên chưa đủ căn cứ để xử lý, quá trình thu thập tài liệu cũng rất khó khăn. Băng nhóm của Ðường “Nhuệ” có tổ chức, núp dưới danh nghĩa DN, che mắt bằng doanh nhân thành đạt có nhiều hoạt động thiện nguyện; có nhiều phương thức, thủ đoạn xảo quyệt, đối phó với các cơ quan, tổ chức. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương vận động nhân dân tố giác các hành vi phạm tội, qua đó mới thu thập đủ tài liệu, căn cứ xử lý.

Tất cả những nghi vấn về có hay không tình trạng bảo kê cho vợ chồng Ðường – Dương hoạt động đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, và cần có chứng cứ chứng minh cụ thể. Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra, mở rộng vụ việc một cách hết sức khách quan, công tâm, đúng pháp luật và với quan điểm xem xét toàn diện, vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó; làm triệt để, không có vùng cấm và không bỏ lọt tội phạm, không để hàm oan người vô tội. Bộ cũng chỉ đạo Công an Thái Bình quán triệt tinh thần khẩn trương, kiên quyết xong vẫn bảo đảm thượng tôn pháp luật và không bỏ lọt tội phạm.

Theo Báo Nhân dân


Lượt xem: 11

Trả lời