VFF lập Ban chỉ đạo U23 Việt Nam tại SEA Games 27 có cần thiết?

Cập nhật 12/11/2013, 07:11:17

Để giải quyết những vấn đề “nóng” của đội tuyển U23 tại SEA Games 27, Ban chỉ đạo đã được thành lập với người đứng đầu là Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Đằng sau quyết định thành lập Ban này của VFF, có rất nhiều ý kiến trái chiều…

 

Ban Chỉ đạo do đích thân chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đứng đầu. Các thành viên gồm phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung, ông Lê Hùng Dũng và  Phạm Văn Tuấn. Như vậy, tất cả các quan chức cao nhất của VFF đều được “huy động”. Ngoài ra, còn có Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển, 2 ủy viên ban chấp hành VFF Nguyễn Hồng Thanh, Lê Ngọc Chức hỗ trợ thêm những vấn đề về chuyên môn.

Bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo, VFF cũng đã phân công các lãnh đội. Cụ thể, TTK VFF Ngô Lê Bằng làm lãnh đội U23, TTK Liên đoàn bóng đá Hà Nội Phan Anh Tú (đội tuyển nữ), Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM Trần Anh Tú (2 đội futsal nam, nữ). Chưa hết, trong vai trò quản lý từ Tổng cục TDTT, ông Trần Quốc Tuấn (Vụ trưởng), sẽ chịu trách nhiệm giám sát chung cả 4 đội tuyển bóng đá tại SEA Games năm nay.
 
VFF muốn giám sát chặt chẽ U23 Việt Nam tại SEA Games 27 - Ảnh: Gia Hưng
VFF muốn giám sát chặt chẽ U23 Việt Nam tại SEA Games 27 – Ảnh: Gia Hưng
 

Về vấn đề thành lập Ban chỉ đạo, theo như giải thích của một quan chức VFF trước đó, Ban này có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề “nóng”, các sự cố đột xuất trong quá trình dự SEA Games 27 của 4 đội bóng đá, trong đó đặc biệt lưu ý là U23 Việt Nam. Ban chỉ đạo cũng sẽ giúp cho thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc tập trung cao nhất cho vấn đề chuyên môn.

Mục đích là vậy, nhưng nhiều người lại nghĩ khác. Không phải ngẫu nhiên năm nay U23 Việt Nam lại được VFF quan tâm đặc biệt như vậy. Vấn đề tiêu cực luôn được đặt lên hàng đầu mỗi khi U23 tham dự SEA Games. Tại kỳ SEA Games 2005 diễn ra tại Bacolod (Philippines), 7 cầu thủ U23 Việt Nam lúc đó gồm Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Phước Vĩnh, Quốc Anh, Hải Lâm và Bật Hiếu đã bị phát hiện bán độ. Đây chính là vết nhớ lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, khiến VFF rất thận trọng trong mỗi kỳ đại hội khu vực.

Ở BTV Cup vừa qua, sau trận hòa “lạ” với tỷ số 3-3 trước CLB Bangu (Brazil), mặc dù phía VFF khẳng định không có tiêu cực mà chỉ khẳng định là trận đấu có “bất thường”, nhưng cũng đã có hành động rất mạnh tay sau đó qua việc cách chức trưởng đoàn Trương Hải Tùng và đình chỉ làm nhiệm vụ với HLV Hoàng Văn Phúc. Dù VFF không mời cơ quan công an vào cuộc điều tra, nhưng rõ ràng những nghi ngờ của dư luận về một trận đấu “có mùi” là hoàn toàn có cở sở.

Từ sự cố tại BTV Cup, có thể hiểu vì sao VFF lại sốt sắng cho thành lập ngay một Ban chỉ đạo U23 tại SEA Games 27. Dường như VFF đã nhìn thấy những biểu hiện của tiêu cực, có thể sẽ lại tái diễn tại SEA Games này. Chính Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung đã nói với báo chí rằng, nếu không xử đến nơi đến chốn U23 tại BTV Cup, thì ai đám khẳng định sẽ không có chuyện gì xảy ra tại SEA Games năm nay.

VFF có lý do để thận trọng với tiêu cực, nhưng liệu việc thành lập Ban chỉ đạo có cần thiết. Được biết, Ban chỉ đạo sẽ ở nhà và nhận báo cáo hàng ngày từ Myanmar gửi về. Nghĩa là, mục đích giải quyết những vấn đề “nóng”, hoá ra lại thành “nguội”. Hơn nữa, liệu Ban chỉ đạo này có can thiệp quá sâu vào những vấn đề chuyên môn của đội tuyển U23 hay không, cũng là một vấn đề rất quan tâm.

Quan trọng nhất, chính là việc thành lập Ban chỉ đạo ngay sau khi VFF “xử” thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc, cho thấy rõ sự đề phòng cao độ với tiêu cực. Hành động này vô hình chung đã tạo thêm không khí căng thẳng trong đội. Và khi các cầu thủ bị áp lực lúc nào cũng bị “soi” tiêu cực, liệu họ có thoải mái đá bóng.

Có người nói, việc thành lập Ban chỉ đạo VFF chỉ khiến “lắm thầy, nhiều ma”, bởi nếu ngay cả tiêu cực có xảy ra, chưa chắc đã phát hiện được. Nói thế không có nghĩa tiêu cực được xem nhẹ, nhưng để đối phó và xử lý tiêu cực ra sao, là cả một vấn đề lớn, chứ không chỉ kè kè giám sát đội U23 là được.

Dẫu sao thì đội “phản ứng nhanh” cũng đã được thành lập, có tranh cãi cũng không giải quyết được việc gì. Vấn đề còn lại là giữa VFF và U23 Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ, tin tưởng lẫn nhau vì một mục tiêu chung là tấm HCV SEA Games 27.

Hai cán bộ công an đi theo đội U23 Việt Nam

Bộ công an đã cử 2 cán bộ an ninh tham gia đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 27. Hai cán bộ của C45 này không chỉ giám sát trực tiếp đoàn quân của HLV Hoàng Văn Phúc mà còn phụ trách cả 3 đội bóng còn lại là tuyển bóng đá nữ và 2 đội Futsal. Đây được xem là các phương án đề phòng cần thiết nhằm ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thi đấu tại SEA Games 27.

 

Theo Dân Trí


Lượt xem: 26

Trả lời