Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 20 năm Đại học Quốc gia Hà Nội

Cập nhật 10/12/2013, 07:12:44

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 – 10/12/2013). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu ý kiến.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự buổi Lễ còn có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đại diện các tổ chức quốc tế; lãnh đạo ĐHQGHN qua các thời kỳ.

Diễn văn tại buổi Lễ kỷ niệm, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia nhấn mạnh: Trong lịch sử hơn 100 năm xây dựng và trưởng thành, ngày 10 tháng 12 năm 1993 là một dấu mốc cực kỳ quan trọng. Hiện nay, ĐHQGHN là một thực thể gắn kết hữu cơ với 28 đơn vị đầu mối, tổ hợp của 6 trường đại học, 3 viện nghiên cứu thành viên và các đơn vị trực thuộc; bao gồm tương đối đầy đủ các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội – nhân văn, kinh tế, luật, giáo dục, ngoại ngữ và y dược, với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đông đảo và mạnh về chất lượng. Tỷ lệ cán bộ có học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 45%, tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư đạt 18,5%, phân bố khá đều trên tất cả các lĩnh vực.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ khẳng định, để thực hiện sứ mệnh trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, trình độ cao, ĐHQGHN đã tập trung đầu tư phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu. Các mô hình đào tạo bằng kép, chất lượng cao, tài năng và đạt chuẩn quốc tế lần lượt được tổ chức đào tạo thí điểm thành công và đã phát triển thành nhiệm vụ thường xuyên, đại trà. Kiểm định chất lượng, đặc biệt kiểm định theo chuẩn của các hiệp hội đại học ASEAN và quốc tế đã được áp dụng. Triết lý giảng viên đồng thời là nhà khoa học, dạy học thông qua nghiên cứu đã triển khai có hiệu quả.

Hiện nay, cơ cấu và chất lượng các hoạt động đào tạo của ĐHQGHN đã thay đổi về cơ bản. Sau 20 năm phấn đấu, quy mô đào tạo sau đại học/đại học tăng từ tỷ lệ 1/10 lên xấp xỉ là 1/2. Tỉ lệ đào tạo chất lượng cao, tài năng và chuẩn quốc tế đã đạt gần 20%. Hàng năm, trung bình có hơn 15% sinh viên tốt nghiệp tiếp tục học tập và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, được làm việc tại các tập đoàn công nghiệp hàng đầu quốc tế; sinh viên của ĐHQGHN tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay đạt tỷ lệ cao, năm 2013 đạt 86,7%, trong đó 62,5% có việc làm đúng ngành đào tạo.

20 năm là khoảng thời không dài đối với một trường đại học lớn, song đối với ĐHQGHN, khoảng thời gian đó rất có ý nghĩa, đánh dấu một chặng đường đầy gian khó, nhưng cũng hết sức tự hào. Những bài học của 20 năm xây dựng và phát triển, sẽ là hành trang quan trọng để ĐHQGHN tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 20 năm ĐHQGHN.
Ảnh: VA

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp 50 năm về trước (nay là một thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới các thày giáo, cô giáo, các em học sinh, sinh viên của ĐHQGHN lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. ĐHQGHN với tư cách là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao có điều kiện để thể hiện vai trò tiên phong trong việc thực hiện thắng lợi những chủ trương lớn của Đảng, để nhanh chóng trở thành đại học nghiên cứu, có đẳng cấp quốc tế.

Giao nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang đặt ra cho ngành Giáo dục và đào tạo nói chung, ĐHQGHN nói riêng, nhiều yêu cầu mới, vẻ vang, nhưng cũng nặng nề hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nền khoa học – công nghệ tiên tiến. ĐHQGHN cần tiếp tục phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thực sự trở thành tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thuộc các chuyên môn khác nhau, ngang tầm khu vực, từng bước đạt trình độ quốc tế; trước hết, phải đi đầu trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học – công nghệ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ĐHQGHN cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức theo hướng hiện đại, phù hợp chuẩn mực quốc tế và điều kiện của Việt Nam; tiếp tục triển khai cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản trị đại học, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị thành viên.

Về công tác đào tạo, Tổng Bí thư lưu ý, phải đặc biệt coi trọng phát triển phẩm chất, tầm nhìn, năng lực, kỹ năng và tăng khả năng có việc làm của người học; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, thiết thực, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tạo động lực để người học tham gia tích cực vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo.

Về công tác nghiên cứu, cần nhận thức và phát huy đầy đủ vai trò của ĐHQGHN như một cái nôi của nghiên cứu khoa học cơ bản, nơi sản xuất "máy cái", đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ khoa học cơ bản cho toàn bộ hệ thống giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ quốc gia.

ĐHQGHN cần sớm nghiên cứu đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ những giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển khoa học xã hội – nhân văn trong hệ thống các trường đại học của cả nước; tập trung phát triển các khoa học liên ngành, các công nghệ mũi nhọn trực tiếp tham gia vào việc giải quyết có hiệu quả các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, ĐHQGHN phải đi tiên phong trong việc vươn tới các chuẩn mực và trình độ tiên tiến về tri thức và công nghệ của khu vực và thế giới , góp phần thiết thực vào việc thu hẹp khoảng cách tụt hậu trong trình độ phát triển của nước ta so với các nước tiên tiến; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn Đảng bộ ĐHQGHN cần quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kiện toàn hệ thống chính trị; tăng cường khối đoàn kết, nhất trí trong nội bộ; phát huy cao độ tinh thần tự do sáng tạo của các nhà khoa học; phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp nơi học đường, đặc biệt là đạo đức, phẩm chất, tư cách nhà giáo, nhà khoa học, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và đạo lý thày – trò, thực sự trở thành một trong những biểu tượng đẹp của tinh thần, trí tuệ và tinh hoa văn hóa Việt Nam./. 

Theo Báo ĐT Đảng Cộng Sản VN


Lượt xem: 20

Trả lời