Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên

Cập nhật 23/1/2015, 06:01:12

Chiều 22/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới.

 
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương.

Báo cáo kết quả năm 2014, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, tính đến hết năm 2014 có 785 xã đạt chuẩn (chiếm 8,8%), 1.258 xã đạt 15 đến 18 tiêu chí (14,5%); 2.836 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (32,1%); 2.964 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (33,6%); 945 xã đạt dưới 5 tiêu chí (11%) và không có xã trắng tiêu chí.

Về kết quả xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm của Trung ương, đến nay, trong 11 xã điểm của Ban Bí thư Trung ương có 9 xã đã đạt được 19 tiêu chí. Riêng 2 xã Thanh Chăn (Điện Biên) còn 7 tiêu chí chưa đạt là: cơ sở vật chất trường học, chợ, nhà ở dân cư, thu nhập… và Định Hóa (Kiên Giang) còn 3 tiêu chí chưa đạt là: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư.

Ban chỉ đạo tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực chỉ đạo để các xã này về đích trong quý I năm 2015. Riêng xã Thanh Chăn chưa thể về đích năm 2015 do xuất phát điểm rất thấp và nhiều tiêu chí chưa đạt, nhất là tiêu chí về an ninh trật tự.

Năm qua, mặc dù nguồn vốn Trung ương đầu tư trực tiếp cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 5.255 tỷ đồng, nhưng các địa phương đã huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các nội dung của Chương trình với số vốn đạt tới hơn 157.814 tỷ đồng.

Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương đã chủ động vận dụng, ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tập trung các nguồn lực, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã, điển hình như: Hỗ trợ lãi suất, nâng mức cho vay để triển khai các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ lãi suất để đẩy nhanh ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu có Đồng Nai hỗ trợ 30-40% vốn đầu tư cho các dự án ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm.

Nhiều tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An… nhằm khuyến khích các xã phấn đấu đạt chuẩn đã có chính sách thưởng hợp lý, như Nam Định; Vĩnh Phúc thưởng tối thiểu 01 tỷ đồng/xã.

Mục tiêu được Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đề ra cho năm 2015 là phấn đấu hoàn thành mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 3 xã đạt chuẩn chở lên; có trên 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành kế hoạch tổ chức sơ kết giai đoạn 2011-2015; phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2010.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người nông dân về cả vật chất và tinh thần luôn là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị, đây là sự nghiệp của toàn thể nhân dân. Với tinh thần như vậy, Đảng ta đã có rất nhiều Nghị quyết về vấn đề này trong đó có Nghị quyết của Trung ương về "tam nông", đây là lần đầu tiên Trung ương có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới hết sức đồng bộ nên có ý nghĩa rất quan trọng. Nói theo cách nào đó, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nội dung cụ thể trong tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp, đây chính là nội dung cụ thể của tái cơ cấu. Việc xây dựng nông thôn mới với các chỉ tiêu tổng hợp cũng chính là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên địa bàn nông thôn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 4 năm qua, chúng ta đã đưa ra hệ thống cơ chế, chính sách khá đồng bộ; các tiêu chí về nông thôn mới được tiếp tục hoàn thiện;… từ đó đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; nhân dân nhận thức đây là phong trào của chính người dân, mang lại lợi ích thiết thực, sát sườn cho chính mình không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài và trở thành phong trào sâu rộng với nhiều mô hình tốt, cách làm tốt.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Chương trình xây dựng nông thôn mới cần hết sức quan tâm, tập trung khắc phục như: sự quan tâm thực hiện Chương trình có nơi, có lúc thiếu sâu sát, thiếu thường xuyên và chặt chẽ, có nơi trách nhiệm chưa cao; nguồn lực đầu tư chưa chưa đáp ứng được yêu cầu. Không những thế, có nơi, có địa phương sử dụng còn kém hiệu quả, để thất thoát, có nơi còn ỷ lại vào nguồn lực của Trung ương, chưa chủ động trong huy động các nguồn lực xã hội; kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới còn chưa đồng đều, còn khoảng cách quá lớn, quá lệch giữa các địa phương và vùng miền; một số cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng đi vào cuộc sống còn hạn chế, còn chậm;…

Chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phải phấn đấu để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, trước mắt là các mục tiêu của năm 2015, nhất là mục tiêu phấn đấu có 20% số xã đạt chuẩn; đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 3 xã đạt chuẩn trở lên;…

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của năm 2015 cũng như nhiệm vụ của 5 năm tới các cấp ủy đảng, chính quyền phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Phải coi việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; phải có chương trình, kế hoạch, lộ trình hành động cụ thể, có kiểm tra, đôn đốc, có sơ kết, có uốn nắn, rút kinh nghiệm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới; cán bộ nào thực hiện thiếu trách nhiệm phải thay thế ngay. Cùng với đó, phải xây dựng kế hoạch về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 gắn với đại hội Đảng các cấp.

Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành hữu quan rà soát, bổ sung các chính sách sao cho phù hợp hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tính toán để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đề nghị các địa phương chủ động trong tính toán ngân sách địa phương, trong huy động các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện hiệu quả việc lồng nghép Chương trình xây dựng nông thôn với với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí về nông thôn mới; phải xác định rõ được nhóm tiêu chí “cứng”, nhóm tiêu chí cơ bản,… tinh thần chung là không chạy đua theo thành tích, hình thức mà hạ thấp tiêu chí. Đối với những xã, những huyện đã đạt 19 tiêu chí không có nghĩa là dừng lại, không có nghĩa thế là đã thỏa mãn mà phải tiếp tục phấn đấu, tiếp tục vươn lên bởi mục tiêu không phải để đạt thành tích mà là sự nghiệp chung, là sự phát triển bền vững nông thôn, là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của đất nước. Với tinh thần như vậy, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục họp bàn thêm, đưa ra những tiêu chí cụ thể để áp dụng cho những xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể phải coi Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, từ đó phát động, vận động nhân dân thực hiện, đưa phong trào xây dựng nông thôn mới ngày hiệu quả hơn, ngày càng khẳng định đây là phong trào của nhân dân, của quần chúng, qua đó đem lại lợi ích thiết thực, sát sườn cho chính người dân. Đồng thời hết sức lưu ý đến nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong xây dựng nông thôn mới cũng như kịp thời khen thưởng đối với các điển hình tiên tiến./.

theo Báo ĐT ĐCS VN


Lượt xem: 23

Trả lời