Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội: Kinh tế tăng trưởng dưới tiềm năng

Cập nhật 01/11/2013, 07:11:38

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, sáng ngày 31/10, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2014, các đại biểu Quốc hội đã cùng chỉ ra những khó khăn của nền kinh tế, đề xuất những giải pháp trong thời gian tới. 

Tăng đầu tư công để cứu nền kinh tế

 

Phát biểu tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành chính sách, giúp nền kinh tế sớm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, các ĐB đều cho rằng, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng.

Mở màn phiên thảo luận, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) đánh giá, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ và đầy đủ những nguyên nhân của hạn chế. Do vậy, ĐB đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá rõ hơn về vấn đề này, trong đó, cần phân tích sâu những nguyên nhân về thể chế, chính sách, tính kỷ luật, kỷ cương trong thực thi chính sách pháp luật.

 

Quốc hội dành 1,5 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế – xã hội
(Ảnh: Mạnh Hùng)

Bình luận về huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển, ĐB cho rằng, tổng nguồn vốn có tăng về lượng nhưng giảm mạnh về tỷ lệ so với GDP. Điều này thể hiện rõ qua các con số: Năm 2011, tỷ lệ này là 33,3%; năm 2012 là 30,5%; năm 2013 ước chỉ đạt 29%. Theo ĐB, cử tri kiến nghị nhiều về tăng cường đầu tư để giúp người dân phát triển kinh tế. Mặt khác, do chỉ mới bước đầu triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế nên tăng trưởng kinh tế thời gian trước mắt vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng đồng vốn đầu tư. “Không đẩy mạnh đầu tư hơn sẽ không cải thiện được tốc độ tăng trưởng, từ đó ảnh hưởng đến tạo việc làm, đến nguồn lực để thực hiện các bước phát triển lâu dài gắn với chất lượng phát triển và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế” – ĐB Lê Thị Yến nhấn mạnh. ĐB bày tỏ tán thành mở rộng đầu tư công ở chừng mực và thời gian hợp lý trong giới hạn nợ công cho phép thông qua việc huy động thêm một lượng vốn trái phiếu Chính phủ, nới bội chi trong thời gian tới để có thêm nguồn vốn phát triển.

Nhận định nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho rằng, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng, đối diện với những khó khăn ngắn hạn. Quan sát những chính sách thực thi từ đầu năm, ĐB đánh giá Chính phủ đã năng động, sáng tạo, bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô, áp dụng nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế, từng bước triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý nhiều điểm nghẽn tín dụng, tăng sức mua của thị trường, xử lý hàng tồn kho, giảm thời gian nộp thuế và tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế… “Nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô thì kết quả của năm 2013 là tích cực. Nhưng các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao các năm sau nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến của tình hình” – ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu.

Đáng lưu ý, theo ĐB, năm 2013 xuất hiện một số vấn đề mới có nguy cơ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch, ước 9 tháng chỉ đạt bằng 66% dự toán năm. Thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm có tới 79% doanh nghiệp kê khai nộp thuế giá trị gia tăng nhưng không phát sinh thuế phải nộp, bình quân cứ 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì chỉ có 1 doanh nghiệp có phát sinh nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng. Cũng theo đại biểu, thị trường bất động sản đóng băng cũng đang trở thành vấn đề khó khăn rất lớn trong bài toán vấn đề ngân sách năm 2014 – 2015. “Đây là vấn đề lớn mà tại kỳ họp này Quốc hội phải đặt lên bàn nghị sự Quốc hội” – ĐB Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), thực trạng tình hình chung của kinh tế – xã hội 3 năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đã thẳng thắn báo cáo trước Quốc hội 8 hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, ĐB cho rằng, đến nay chưa có đề án đầu tư công, tái cơ cấu nhà nước rời rạc, tái cơ cấu ngân hàng thì chưa đạt yêu cầu. Để đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp phù hợp, ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung, làm rõ trách nhiệm về quản lý của Nhà nước, Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội trong thời gian vừa qua.

Đề cập tái cơ cấu kinh tế với trọng tâm tái cơ cấu các tổng công ty, tập đoàn, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ lo lắng trước tiến độ thực hiện chậm trễ dù đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt. ĐB cho rằng, cần xác định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước không đồng nghĩa vai trò chủ đạo, then chốt của DNNN, hỗ trợ vĩ mô để các doanh nghiệp đủ sức tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế.

Không thể chấp nhận việc lừa đảo thân nhân liệt sỹ

Trong khi thừa nhận các khó khăn kinh tế, các đại biểu Quốc hội cũng đồng thời bày tỏ sự lo lắng trước các vấn đề xã hội.

ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, những bức xúc của cử tri tập trung vào nhiều vấn đề xã hội như: Tạo việc làm, thực hiện sách cho người có công, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, mất an toàn vệ sinh thực phẩn diễn ra liên tục… gây tâm lý bất an cho nhân dân.

ĐB đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để tạo việc làm bền vững cho người lao động. Cần sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề hợp lý, sát với nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu lao động của doanh nghiệp, khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề để tránh lãnh phí; đồng thời, tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện chính sách có hiệu quả để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo ĐB, nên giao cho doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo nghề còn Nhà nước hỗ trợ chính sách.

Cập nhật các vấn đề thời sự của đời sống, trong đó đáng chú ý là vấn đề quy tập hài cốt liệt sỹ, ĐB Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) cho biết, từ năm 1976 đến nay, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH, các tỉnh có liên quan làm công tác quy tập hài cốt liệt sỹ. Bộ Quốc phòng đã tổ chức 2 đoàn công tác chuyên trách để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở trong nước, tại Lào và Campuchia. Đến nay, đã quy tập được hơn 939 nghìn hài cốt liệt sỹ, tổ chức an táng trọng thể tại hơn 3.000 nghĩa trang trên cả nước. Quá trình tìm kiếm, quy tập chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo nên đã có 14 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, hơn 100 chiến sỹ bị thương. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tới để tiếp tục quy tập hơn 200 nghìn hài cốt liệt sỹ.

Đề cập tới thông tin vừa qua có việc tìm kiếm một số hài cốt giả, ĐB nêu quan điểm: “Lừa đảo thân nhân những người đã đổ xương máu để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải nghiêm trị những kẻ có hành vi vô lương tâm này.”

ĐB cho biết thêm, hàng năm, Bộ Quốc phòng đã dành hơn 100 tỷ đồng cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. ĐB kiến nghị, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng đã xuống cấp để đủ điều kiện chăm sóc tốt hơn những người có công với Tổ quốc./.

Theo TTĐT Chính Phủ


Lượt xem: 17

Trả lời