Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Cập nhật 22/10/2013, 07:10:58

Bản giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu tối đa ý kiến của các tầng lớp nhân dân, chuyên gia, đại biểu QH…

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể, nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự luật này.Trong phiên họp toàn thể sáng nay (22/10) tại Hội trường, Quốc hội sẽ nghe báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 và báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Như vậy, 1 ngày sau phiên khai mạc, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã chính thức trình ra Quốc hội bản giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là một nội dung quan trọng. Bản giải trình, tiếp thu này được hoàn thiện sau 2 năm rưỡi kể từ khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp, qua 2 kỳ Quốc hội và qua ý kiến của hàng triệu người dân.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN ngay trước phiên khai mạc Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: Bản giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu tối đa ý kiến của các tầng lớp nhân dân, ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên sâu. Những gì không thể tiếp thu sẽ được giải thích rõ ràng. Chẳng hạn như về chế độ kinh tế, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhất trí sẽ lựa chọn phương án 2, trong đó quy định, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Ông Thảo cho rằng, ghi hay không ghi thì đó cũng là thực tế. Nhưng nếu ta ghi vào như vậy thì sẽ làm rõ ràng hơn định hướng XHCN, làm rõ hơn vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, kinh tế nhà nước ở đây bao gồm tất cả các nguồn lực của nhà nước, chứ không phải chỉ là doanh nghiệp nhà nước.

Đối với vấn đề thu hồi đất trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Đinh Xuân Thảo cho biết, đây là một điểm mới mà các bản Hiến pháp trước chưa quy định. Trước hết, dự thảo Hiến pháp khẳng định, việc thu hồi đất chỉ thực hiện trong trường hợp thật cần thiết và theo luật định. Nhà nước sẽ thu hồi đất vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, các dự án phát triển kinh tế- xã hội muốn thu hồi đất phải đáp ứng 3 yêu cầu. Đó là dự án ở tầm quốc gia, được Quốc hội phê duyệt chủ trương; Thứ hai là các dự án do Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và thứ ba là các dự án kinh tế- xã hội phải được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.

Ông Đinh Xuân Thảo nói: “Như vậy, giới hạn thu hồi đất sẽ hẹp hơn trước. Ví dụ như các dự án thu hồi đất để xây dựng nhà ở mang tính chất thương mại thì phải theo cơ chế thị trường, cơ chế thỏa thuận. Đó cũng là những dự án dẫn đến khiếu kiện nhiều nhất. Thu hồi đất để làm dự án thương mại dẫn đến chênh lệch giá rất lớn nhưng chênh lệch đó không rơi vào ngân sách nhà nước cũng không vào túi của người có quyền sử dụng đất. Đây là một điểm mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.”./.

Theo VOV


Lượt xem: 21

Trả lời