Quán triệt sâu sắc ý nghĩa của chính sách và công tác dân tộc

Cập nhật 08/7/2014, 19:07:42

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Chúng ta thực hiện không tốt chính sách dân tộc là không ổn định và không ổn định thì không phát triển bền vững được".

Sáng 8/7 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc nhằm rà soát và đánh giá lại các chính sách dân tộc để thống nhất nhiệm vụ, giải pháp và chính sách cả trước mắt và lâu dài đối với công tác dân tộc theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Nhật Bắc)

Các báo cáo và phát biểu tại buổi làm việc khẳng định: Với 130 chính sách, thể hiện qua 177 văn bản liên quan, chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ, toàn diện, đúng và trúng trên các lĩnh vực và phủ kín địa bàn dân tộc và miền núi. Không chỉ từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách dân tộc, Chính phủ còn ưu tiên nguồn lực kết hợp với các nguồn vốn tài trợ để tập trung hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi, trong đó giai đoạn 2006-2012 con số lên tới 150.000 tỷ đồng.

Riêng chính sách cử tuyển từ năm 1999 đến nay cũng đã tiếp nhận gần 20.000 học sinh dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, góp phần bổ sung nhân lực cho vùng dân tộc, miền núi… 

Mặc dù bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi ngày càng thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện và tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 3-4%/năm, nhưng đến nay vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn và tình trạng du canh du cư, chặt phá rừng cũng như hoạt động tôn giáo trái pháp luật có nơi vẫn diễn biến phức tạp…

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai chính sách dân tộc cũng như sự quan tâm chăm lo nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thời gian qua, nhất là sự nỗ lực trong bảo đảm sự bình đẳng, phát huy tinh thần đoàn kết, sự tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển ngày càng tốt hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta là một vấn đề chiến lược, một vấn đề cơ bản, không chỉ trước mắt và rất lâu dài của đất nước ta. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc. Tất cả các bộ ngành đều có trách nhiệm đối với thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Kết quả thực hiện chính sách, công tác dân tộc quyết định sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Chúng ta thực hiện không tốt chính sách dân tộc là không ổn định và không ổn định thì không phát triển bền vững. Ổn định chính trị xã hội phải trên nền tảng là lòng tin của nhân dân ủng hộ chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, nhất trí và đồng thuận”.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm và tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế trong triển khai chính sách dân tộc, nhất là trong 4 lĩnh vực, đó là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn quá lớn, có nơi lên tới trên 50% mà nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, điều kiện canh tác khó khăn, trình độ canh tác thấp nên hiệu quả thấp; dân trí, trình độ học vấn vùng dân tộc và miền núi còn thấp; đội ngũ cán bộ vùng dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu và không đồng đều; hạ tầng cả kinh tế và xã hội vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng phân tích rõ: chủ trương, chính sách dân tộc là đúng đắn nhưng sự nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là người đứng đầu có nơi, có lúc còn chưa đúng mức, chưa theo sát thực tế, nhất là trong nghiên cứu, đề xuất và triển khai các chính sách đặc thù ở địa phương; vẫn còn quá nhiều chính sách chồng chéo, thậm chí một số chính sách ban hành nhưng không khả thi; sự chỉ đạo, cơ chế phối hợp triển khai chính sách dân tộc còn chưa tốt; bố trí nguồn lực đầu tư chưa tương xứng và việc sử dụng các nguồn lực có nơi không hiệu quả; việc kiểm tra đôn đốc triển khai chính sách dân tộc còn chưa chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả chưa cao….

Thủ tướng trao đổi về các chính sách với đồng bào dân tộc (Ảnh: Nhật Bắc)

Trên cơ sở phân tích rõ những hạn chế yếu kém trong xây dựng và triển khai chính sách dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cả hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các thành viên Chính phủ tiếp tục quán triệt sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, đồng thời chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc bằng các chương trình, kế hoạch, nghị quyết và chính sách cụ thể, thiết thực.

Nhấn mạnh công tác dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai chính sách dân tộc một cách cụ thể tới từng bộ, từng ngành theo chức năng được giao. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách bất cập, không phù hợp với thực tế mà trước hết phải có cơ chế chính sách đi thẳng vào giải quyết bằng được vấn đề đất ở, đất sản xuất cho bà con dân tộc, đồng thời có cơ chế thiết thực hỗ trợ phát triển sản xuất hộ gia đình gắnvới trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và phát triển chăn nuôi bò…

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán nguồn lực đầu tư tối đa trong năm 2015 cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Thủ tướng cũng đề nghị Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban dân tộc tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực thi các cơ chế, chính sách dân tộc gắn với đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân tộc….

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách dân tộc như việc bố trí kinh phí cho các chính sách đang thực hiện ở vùng dân tộc và miền núi trong năm 2014 và 2015; cơ chế đặc thù phát triển giáo dục, y tế vùng dân tộc; xây dựng chính sách dân tộc giai đoan 2016-2020, định hướng đến năm 2030; cơ chế quản lý điều hành chính sách dân tộc…/.

theo VOV


Lượt xem: 44

Trả lời