Phân luồng học sinh phù hợp nhu cầu năng lực: Lỗ hổng của ngành giáo dục hiện nay

Cập nhật 01/6/2016, 09:06:18

Phân luồng học sinh phù hợp nhu cầu năng lực, vấn đề này đã được ngành giáo dục đề cập và nói nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên, đến lúc này việc phân luồng vẫn chưa thực sự đạt kết quả như  sự kỳ vọng.

 

 Những năm gần đây, nhiều học sinh đã chủ động trong việc lựa chọn học nghề thay vì nhất định phải vào các trường ĐH.

Tốt nghiệp THCS, thay vì học lên THPT, Vũ Thị Kiều Oanh quyết định nộp hồ sơ xin học nghề. Lựa chọn này có vẻ đi ngược với xu hướng chung bởi nhiều bạn bè của em vẫn đang theo đuổi giấc mộng đại học, hay ít nhất là một trường cao đẳng. Thế nhưng trong bối cảnh ngày càng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay, lựa chọn học nghề của Kiều Oanh có lẽ là một sự lựa chọn thực tế hơn cả.

Vũ Thị Kiều Oanh, học sinh trường CĐ Nghề Phú Yên nói: “Em thấy nhiều bạn học đại học ra trường không có việc làm nên  em chọn học nghề. Em nghĩ chỉ cần mình có năng lực thì dù xuất phát điểm thấp, mình vẫn có cơ hội phát triển”.

Từ năm 2015, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích vừa để công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, đã dần có sự phân luồng trong học sinh khối THPT, thể hiện qua tỉ lệ học sinh lựa chọn chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, con số này vẫn chiếm tỉ lệ khá thấp trong tổng số chung. Thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, trong số hơn 10.400 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm 2016, có khoảng 2.200 thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT, mặc dù tăng hơn 100 thí sinh so với năm 2015, song cũng chỉ nằm ở tỉ lệ khoảng 20%, dù trước đó, ở nhiều trường THPT, lãnh đạo nhà trường đã có sự định hướng đối với học sinh.

Cô Lương Thị Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Suyền cho biết: “Xác định đầu vào học sinh thấp nên nhà  trường cũng có  sự định hướng để các em lựa chọn ngành nghề phù hợp, chứ nhiều em mộng vào các trường ĐH  lớn lắm”.

Một con số vừa được Ban tuyên giáo Trung ương đưa ra, trong quí I/2016, cả nước có 225.000 người có trình độ cử  nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Con số này tiếp tục  là “lời báo động” cho việc ồ ạt chạy đua vào các trường ĐH.

Nếu như trước đây, chẳng đặng đừng, học sinh mới lựa chọn vào trường nghề thì những năm gần đây, nhiều học sinh đã chủ động trong việc lựa chọn học nghề thay vì nhất định phải vào các trường ĐH. Một trong những điểm thu hút học sinh vào các trường nghề đó cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gần đây có xu hướng tìm kiếm nguồn nhân lực từ chính các trường nghề, đặc biệt là các trường nghề đảm bảo được chất lượng.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Phú  Yên cho biết: “Để tăng sự cạnh tranh, nhà trường chú trọng đào tạo thực hành cho học  sinh và đặc biệt là liên  kết với  các doanh nghiệp”.

Tốt nghiệp THCS thì vào THPT, rồi thi tuyển vào đại học, cao đẳng, đây đã là quan niệm cố hữu của đa phần học sinh và phụ huynh. Thế nhưng, khi tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ không có việc làm ngày càng gia tăng như hiện nay, chúng ta buộc phải nhìn nhận lại quan niệm này liệu có nên tiếp tục duy trì. Nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng phải kết thúc THPT thì mới nghĩ đến chuyện chọn ngành, chọn nghề. Tuy nhiên theo các chuyên gia trong ngành, việc lựa chọn này nên bắt đầu sau khi các em hoàn thành xong chương trình đào tạo bậc THCS. Và việc phân luồng học sinh nên bắt đầu từ đây./.

 

Hồng Thủy – Lê Hùng


Lượt xem: 64

Trả lời