Ninh Thuận đưa sản phẩm gốm truyền thống thành hàng hóa giúp người dân nâng cao  thu nhập

Cập nhật 17/12/2022, 09:12:26

Không chỉ sản xuất những sản phẩm gốm truyền thống phục vụ  nhu cầu hàng ngày, những năm gần đây, người làm gốm ở khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã dần chuyển sang sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Việc người dân từng bước đưa những sản phẩm gốm truyền thống thành sản phẩm gốm mỹ nghệ đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu gốm Chăm và nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề. 

Trước đây, những nghệ nhân như bà Trượng Thị Gạch chỉ sản xuất gốm phục vụ sinh hoạt hàng ngày; nhưng giờ đây, khi cả làng nghề Bàu Trúc chuyển sang làm gốm mỹ nghệ, bà Gạch đã chịu khó tìm hiểu nhiều thị trường và cải tiến hoa văn, đa dạng mẫu mã, nâng dần chất lượng sản phẩm. Nhờ đó sản phẩm do bà và các xã viên của HTX gốm Chăm Bàu Trúc làm ra đều được ký kết bao tiêu.

Bà Trượng Thị Gạch – Khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận nói: “Gốm làng nghề tôi làm từ hồi nhỏ tới giờ. Nhờ làm gốm tôi được nuôi con, nuôi cháu cũng nhờ gốm này. Bàu Trúc này ai cũng nhờ gốm”.

Không chỉ chú trọng sản xuất dòng gốm mỹ nghệ, gốm trang trí nội, ngoại thất với nhiều kiểu dáng hoa văn trang trí mới lạ, độc đáo; những nghệ nhân trong làng nghề gốm Bàu Trúc còn nghiên cứu đưa những nét văn hóa Chăm vào sản phẩm gốm để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Đàng Thị Tuyết Hằng – Khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận cũng nói: “Hồi trước mình làm gốm giá thấp. Giờ mình làm gốm mỹ nghệ có khách tới tham quan nên cuộc sống mình đỡ và có tiền nuôi con”.

Không chỉ phụ nữ, nhiều thanh niên Chăm cũng tham gia làm gốm. Để có những đơn hàng hợp đồng tiêu thụ gốm, người dân đã cùng với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, xây dựng Website giới thiệu làng nghề, quảng bá trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo. Chính sự đa dạng trong cách quảng bá gốm Chăm, cùng với việc sản xuất gốm theo yêu cầu khách hàng mà có những sản phẩm được đặt hàng với giá từ 30 đến 40 triệu đồng.

Ông Phú Hữu Minh Thuần – Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận cho biết: “Chúng tôi phát triển thành sản phẩm thương mại hóa. Sau khi có dòng gốm mỹ nghệ, chúng tôi có đơn hàng rất là lớn. Đây là điều kiện và tiềm năng để chúng tôi khai thác. Chúng tôi luôn lồng ghép dòng gốm truyền thống và mỹ nghệ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn vấn đề phát triển”.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ gốm mỹ nghệ Bàu Trúc chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Khánh Hòa. Sự chủ động trong sản xuất gốm theo đơn đặt hàng của khách, chủ yếu là dòng gốm mới có giá cả cao hơn so với dòng gốm thông thường trước đây đã giúp đời sống của bà con được nâng lên.

Bà Đàng Sinh Ái Chi – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận nêu:”Cần có những chính sách quan tâm đầu tư trong việc truyền dạy nghề, nâng cao tay nghề cho bà con làng nghề gốm Bàu Trúc. Quan tâm cho bà con được tiếp cận về kỹ thuật để cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng ngày một tốt hơn và có sức cạnh tranh trên thị trường”.

Người dân làng gốm Bàu Trúc luôn ý thức giữ gìn, chăm chút sự tinh túy, sắc sảo đã được lưu truyền bao đời nay của nghề làm gốm. Với sự nỗ lực của các nghệ nhân, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp; gốm Chăm Bàu Trúc dần trở thành phẩm hàng hóa, khẳng định thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người làm gốm./.

 Minh Triều


Lượt xem: 2

Trả lời