Người dân Đăk Lăk kỳ vọng vào Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng tây nguyên năm 2017

Cập nhật 09/3/2017, 14:03:09

Ngày 8-3-2017, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng tây nguyên năm 2017 bắt đầu diễn ra, đây là dịp để Đắk Lắk quảng bá và khẳng định thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên thế giới. Là nơi giao lưu, chia sẻ và hợp tác giữa người trực tiếp sản xuất, người kinh doanh và tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước. Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng tây nguyên năm 2017 hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng cho ngành cà phê Việt Nam.

Cũng như nhiều bà con khác ở buôn Kom – Leo, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, những ngày này anh Y Me Buôn Krông tạm gác lại  việc chăm sóc rẫy để tham gia Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lễ hội mà gia đình anh và những người trồng cà phê trên địa bàn Đắk Lắk trông đợi từ hai năm nay. Những năm gần đây, nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật nên năng suất cà phê của gia đình anh đã được nâng lên đáng kể, đời sống của bà con trong buôn có nhiều khởi sắc. Đến với lễ hội lần này, điều mà anh Y Me mong muốn đó là được giao lưu, học hỏi kỹ thuật sản xuất cà phê, được tiếp cận với những kỹ thuật mới và được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Anh Y Me Buôn Krông  chia sẻ: “Cũng như nhiều người dân trong buôn, tôi rất mong đến lễ hội cà phê để được đi thăm quan sau một năm lao động vất vả. Tôi rất muốn tìm hiểu thêm về cà phê, về kỹ thuật chăm sóc để mang lại năng suất, chất lượng cao. Và đặc biệt trong đợt này còn có Liên  hoan văn hóa cồng chiêng, đây là vinh dự lớn đối với đồng bào Ê đê chúng tôi vì có cơ hội giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế”.

Là một trong rất ít đội chiêng được biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, các thành viên của đội chiêng của người Mường ở  xã Hòa Thắng đang tập luyện để chờ ngày biểu diễn. Điều khác biệt của chiêng của người Mường với chiêng của người Ê đê, M’Nông đó là người đánh chiêng thường là nữ. Bởi theo truyền thống của dân tộc Mường, người đàn ông trong gia đình thường đảm nhận việc đồng áng, làm nhà, cửa, còn những việc nội trợ và nghệ thuật thường dành cho phụ nữ. Bà Bùi Thị Hạnh, một trong những thành viên lớn tuổi của đội cho biết, đây là lần thứ 4 được tham gia diễn tấu tại sân khấu lớn, bà cảm thấy rất tự hào khi được góp một phần nhỏ bé của mình vào các chương trình nghệ thuật của lễ hội và được giới thiệu nét độc đáo chiêng của Mường đến với khán giả.

Bà Bùi Thị Hạnh – Đội chiêng Mường xã Hòa Thắng, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết: ”  Khi được tham gia lễ hội  tôi rất vui và  tự hào , tôi  mong muốn chiêng Mường luôn được bảo tồn và phát huy”.

Bà  Linh Nga Niê Kđăm – Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Từ khi không gian văn hóa cồng chiêng được tôn vinh , các tỉnh Tây nguyên nói riêng và Nhà nước nói chung cũng đã có nhiều sự quan tâm, động viên để bà con gìn giữ nét văn hóa của mình . Tuy nhiên việc bảo tồn rất khó nên việc các tỉnh tổ chức lễ hội , liên hoan cồng chiêng là điều đáng trân trọng”.

            Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 diễn ra từ ngày 8 đến 13 tháng 3 với nhiều chương trình phong phú đặc sắc. Cùng với các chương trình nghệ thuật, còn có nhiều hoạt động bổ ích dành cho nông dân để nâng cao chất lượng, giá trị hạt cà phê qua đó tăng thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm phát triển bền vững. Đây cũng sẽ là cơ hội để Đắk Lắk tiếp tục quảng bá và khẳng định thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường quốc tế. /.

Xuân Hương – Đức Cảnh


Lượt xem: 73

Trả lời